Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

NGẬM NGÙI CAO SƠN

Những đỉnh non cao hùng vĩ luôn gợi niềm khao khát, thôi thúc bước chân khám phá của con người. Đường lên đỉnh gian nan vất vả khiến cao sơn dễ thành chốn linh sơn trong tâm tưởng, nơi bao người chỉ có thể ước mơ và ngưỡng vọng mà thôi. 

Rồi tới một ngày, ước mơ “chinh phục đỉnh cao” nhẹ nhàng trở thành hiện thực, nóc nhà Đông Dương 3143m không còn vời vợi gió mây. Cáp treo Fansipan giúp triệu người hưởng cảm giác “Thanh Vân đắc lộ”.
 
Đỉnh Fansipan 3143m


 
Từ ngày đó, có một Fansipan đã trở thành quá khứ.
Còn đâu một FSP trầm mặc nghìn năm bạn cùng mây trắng?
Còn đâu một FSP kiêu hãnh vượt trội nghìn non?
Còn đâu một FSP khiến lữ khách chợt vỡ òa trong niềm hạnh phúc sau vạn nhịp sơn khê gối mỏi chân chồn?



Fansipan hôm nay đã thay đổi nội hàm, FSP là một đài vọng cảnh. Từ FSP, du khách có thể ngắm nhìn bao đỉnh cao hùng vĩ, ngoại trừ FSP!!!

Fansipan – Hủa Xi Phan đã trở thành tiểu cảnh trong mắt người thưởng ngoạn.”Phiến đá khổng lồ chênh vênh” chỉ còn lại mỏm đá bị cầm tù.

Buồn hơn, có một Fansipan đã thật sự bị lãng quên.

Mải mê với khung cảnh thần tiên, với những công trình kiến trúc – tâm linh hoành tráng sau 15 phút “đằng vân” thuận nẻo, du khách “chinh phục đỉnh cao” đã đã quên mất đỉnh cao. Bao vui sướng tự hào được diễn đầy đủ bên ba chóp inox dựng trên sàn gỗ, để “đỉnh Fan thật” lặng lẽ cô đơn vì chẳng mấy kẻ đoái hoài. Cung đường lội suối trèo non từ Trạm Tôn, Cát Cát cũng dần thưa vắng bóng người vì những lữ khách ưa khám phá đã hướng lòng về những đỉnh núi khác còn giữ nét hoang sơ. Khi cao sơn không còn trong mắt, cao sơn nào đọng lại trong tim? 




Nếu FSP không phải là nóc nhà Đông Dương, cáp treo Sapa đã không vươn tới đó.
Nếu chỉ 3043m, chấp nhận đứng sau Pusilung, Putaleng, Ky Quan San thì FSP vẫn mãi là một non cao kiêu hãnh.




Và nếu chúng ta biết yêu quý nóc nhà Đông Dương thì FSP sẽ không là một nỗi ngậm ngùi...

*
Tầm thường hóa một đỉnh cao, biến nó thành đài vọng cảnh thì việc khoác lên những danh xưng mỹ miều cũng chẳng thể biến cao sơn thành chốn linh sơn.

Ước gì cáp treo dừng ở một đỉnh núi khác để triệu người được chiêm ngưỡng đỉnh Fan mãi mãi!
________________________________________________________
P/S: MẶC DÙ “mỗi ngày có hàng ngàn, hàng vạn người đã tự hào và hạnh phúc đặt chân lên nơi được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương”, ở độ cao 3.143 m” NHƯNG rất khó để tìm thấy một tấm ảnh về “đỉnh FSP thật”. 

Hình như tất cả đều cố gắng né đỉnh FSP để nó không vướng vào khung ảnh(?) 
Rất khó để hình dung đỉnh FSP bây giờ ra sao trong “Quần thể tâm linh ở Fansipan “. 
Với đa số du khách “chinh phục FSP” bằng cáp treo, 3 chóp inox được dựng trên sàn gỗ là quá đủ để checkin và thỏa mãn, đỉnh Fan thật sự đã chẳng còn là điều đáng quan tâm.


Nguyễn Đức Thạch

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2020

Cung Đường : Sài Gòn - Chiến Khu D - Phủ Lý - Thác Triệu Hải - Đèo Triệu Hải - Sài Gòn

Dạo này thấy nhiều bạn nói offroad Triệu Hải nhưng mình không biết mấy bạn offroad ở vị trí nào nữa ? Nên hôm nay chia sẽ đến các bạn đoạn đường team mình đi được gọi là Đèo Triệu Hải ( mấy a đi rừng thì gọi đây là đồi 79 hay nhiêu mình k nhớ 9 xác nên không dám khẳng định ). Nhưng được mấy anh cho biết thì trong khoản 1 năm nay team mình là team đầu tiên mấy a gặp trên này .....




Cung Đường : Sài Gòn - Chiến Khu D - Phủ Lý - Thác Triệu Hải - Đèo Triệu Hải - Sài Gòn.

Tổng chặng đường offroad thì tầm 100km .


Tối thứ 6 team mình di chuyển từ Sài Gòn đi Chiến Khu D và cắm trại lại đêm thứ 6 . Sáng thứ 7 di chuyển đi Phủ Lý trải nghiệm đoạn đường sình cực sình :))


Vì rất dể đi sai đường nên các bạn có thể hỏi người dân quanh đó hướng ra Phà 107 để về lại QL20 , có 2 hướng để ra QL20 là qua phà ( Đò ) và Cầu Treo . Còn bạn nào không thích đi QL20 thì có thể coi Google Map ( Ggm ) kiếm Tà Lài , khi vừa qua 1 cái cầu treo tầm 200m thì quẹo trái nếu không biết đường thì các bạn có thể kiếm trên ggm đường Nam Cát Tiên - Đạ Tẻ đoạn này cũng qua sình :)) và đi vòng rừng rất đẹp .


Khi ra hết con đường Nam Cát Tiên - Đạ tẻ quẹo trái hết đường sẽ gặp đường nhánh chử Y các bạn quẹo tiếp tay phải và đi hướng Triệu Hải , đi thẳng tiếp đường Triệu Hải , các bạn nên vừa đi vừa dân ở đó đường vào Thác Triệu Hải nha vì mình không nhớ 9 xác khúc quẹo nên k dám chỉ bừa .
Sự nghiệp offroad bắt đầu :))) . Đường vào thác các bạn sẽ chạy qua 2 đoạn suối nhỏ . thẵng theo cái đường mòn sẽ gặp thác siêu đẹp . Khi các bạn sống ão tại thác xong quay ra lại qua cái suối đầu tiên ( tính từ lúc quay ra nhé ) cặp sát tay phải sẽ gặp 1 đường dốc nhỏ rất đứng có đá chính là đường lên Đèo Triệu Hải và nỗi ám ảnh hay sung sướng của các bạn sẽ xuất phát từ đây kkkk . 

Chuẩn bị lên đèo ..
Thời gian : không được đi lên sau 16h
Chuẩn bị : áo mưa , nước uống , dao đi rừng ( nếu có ) , xăng xe dự trữ tầm 2l/1 xe và full bình trên xe , đồ ăn , đèn pin , đèn trợ sáng cho xe , xích bánh xe thì càn tốt .
Chống chỉ định ...
Xe tay ga , xe 50cc .
Chưa đi đèo hay offroad lần nào và Thích Thì Đi thôi
Bánh bèo nghỉ đây là nghỉ dưỡng và đi để kiếm hình sống ão
Đoạn đầu tiên sẽ là Đá và Dốc ( mình xin cập nhật hình sau nha vì lúc này dt và cam hành trình hết pin chỉ có máy cơ của bé trong đoàn ) . Rất là mệt vì chưa quen , có thể 500m đầu sẽ vắt kiệt sức của các bạn , lúc này xin nói thật là nếu không đủ các yếu tố mình nêu trên thì các bạn có thể quay lại thác cắm trại . Còn những bạn mún đi tiếp thì cần phải có cái tinh thần động đội cao , các bạn cứ tiếp tục đi theo con đường mòn đó , theo lời kể của các anh thợ rừng thì sẽ có 1 đoạn dốc thật đứng tầm 2-5 m và team mình đã thật sai lầm khi đi đường vòng của các a chỉ .... nên khuyên các bạn là cứ đi thẵng nhé , khi đi lên tới giữa dốc sẽ có 1 trạm bảo vệ rừng có anh rất dể thương tên Cu Lì hehe , team mình đã xin hạ trại tại đây vì team có 1 xe cào cào 130kg bị cháy bố nồi không chạy được nữa phải đẫy bộ và kéo từ chân đồi lên .
Các bạn nếu đến đây tối thì có thể xin ngủ lại , có chổ tắm rữa sạc pin dt ( sau 21h sẽ ngắt điện ) à.. còn nữa các a ấy không nhận tiền nên các bạn có ý định đi thì nên chuẩn bị quà bánh hay gì đó cho mấy a nhé .
Chúng tôi 9h sáng bắt đầu xuống núi theo hướng a chỉ để ra lại MadaGui , đoạn đường cũng không mấy khó khăn đối với team tôi khi khô ráo không mưa .... dự kiến sẽ ra khỏi rừng tầm 3h :))) ... đời không như là mơ và chuyện gì đến cũng đã đến , trời bắt đầu mưa và đoạn đường xuống Trơn hơn da Cá Trê . Không biết diễn tả như thế nào nên các bạn cứ coi hình rồi tưởng tượng :)))
Hên sao chúng tôi được 3 anh thợ rừng ( có a Lỳ ở trạm bảo vệ ) hỗ trợ xuống núi , vật vờ bỏ cơm trưa và hình như cũng không thấy mệt lun và ngược lại cười đau bụng khi những bé ôm trong đoàn vì đường trơn quá nên quyết định ngồi trược dốc :))) , cở Tà Ngào chắc k có cửa đâu kkkk , cuối cùng cũng ra hết dốc lúc 5h chiều . Đúng 24h cho Đèo Triệu Hải , mệt ai cũng mệt nhưng rất vui , điều vui nhất là ý chí mỗi người không mất mà mỗi lúc 1 dân cao .....
Trích lại lời nói của a thợ rừng .. nói với team tôi.
" Anh lên đây hơn 1 năm rồi nhưng chưa thấy cảnh nào như cảnh này "
( và a ấy đứng nhìn bọn tôi trược dốc :)) )


Bài viết của  
Huỳnh Minh Trí
 

Mời xem hình ảnh


















Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI CẮM TRẠI QUA ĐÊM

Cần chuẩn bị gì khi cắm trại qua đêm ?

Cắm trại - đặt biệt là cắm trại qua đêm, ngày nay không còn quá mới mẻ với giới trẻ. Những bạn trẻ, có ai không muốn một lần thử trải nghiệm cảm giác qua đêm tại một nơi thiên nhiên hoang dã. Dường như có một sức hút mãnh liệt giữa bầu trời đầy sao, tiếng sóng biển, bình minh trên đầu hay sự tĩnh lặng của rừng khuya, bên bếp lữa hồng cùng các món nướng do chính tay mình chuẩn bị.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể biết hết những kinh nghiệm. Vậy, nếu như bạn có dự định sẽ tổ chức 1 cuộc cắm trại ngoài trời trong dịp này thì nên tham khảo một số kinh nghiệm dưới đây nhé!!!

Kinh nghiệm cắm trại qua đêm
Kinh nghiệm cắm trại qua đêm khi đi Phượt hay Du Lịch bụi


1. Hoàn tất việc hạ trại trước hoàng hôn
Trải qua một ngày dài “Hành quân”, chắc chắn các “chiến sĩ” của chúng ta đã thấm mệt, nhất là đối với các “lính mới”. Tìm một nơi có địa hình phù hợp để tiến hành hạ trại là một việc quan trọng nhất trong lúc này. Nhưng có một số lưu lý cho các bạn nhé:
Bạn cần chọn địa điểm có địa hình bằng phẳng, xung quanh thoáng đãng. Đặt biệt, nếu bạn cắm trại trong rừng, nên chú ý lựa chọn những nơi gần suối để tiện cho việc sinh hoạt. Còn nếu ở biển, hãy chắc chắn trại của bạn không bị ảnh hưởng khi thủy triều lên hoặc xuống.
Việc chọn địa điểm phải được quyết định khi trời còn sáng, bởi ở những nơi chốn thiên nhiên, xa dân cư, trời sẽ tối đen do không có ánh đèn điện xung quanh. Lúc đó, bạn sẽ khó tìm đường và tiến hành dựng trại
Hạ trại lúc trời còn sáng cũng là để tiện cho việc kiểm tra môi trường xung quanh, dọn dẹp và phát quang, tránh côn trùng sẽ bất ngờ xuất hiện trong trại của bạn vào nữa đêm.

2. Chọn túi ngủ phù hợp
Túi ngủ là một vật dụng không thể quên trong những chuyến cắm trại, đặc biệt nếu bạn đi phượt. Việc có một giấc ngủ ngon là rất quan trọng để phục hồi sức khỏe sau một ngày dài. Vì thế, lựa chọn túi ngủ phù hợp với bản thân người dùng và thời tiết nơi mình đến phải được chú trọng ngay khi chuẩn bị hành lý. Một chiếc túi ngủ nhẹ có thể phù hợp với mùa hè hoặc những tháng tiết trời ấm, nhưng nếu đi vào mùa đông, bạn phải kiểm tra túi ngủ của mình chịu được thời tiết bao nhiêu độ.
Về chất liệu, các túi ngủ làm bằng sợi tổng hợp sẽ khô nhanh nếu bị ướt, dễ xếp gọn và cũng không gây dị ứng. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn túi ngủ lông vũ – nhẹ và dễ mang theo.

3. Thực phẩm và đồ uống
Một nguyên tắc trong việc chuẩn bị hành lý khi đi chơi xa, đi phượt là: chỉ mang đúng và đủ những gì thật sự cần thiết, đặt biệt là với thức ăn. Việc này sẽ giúp giảm thiểu cân nặng của những dụng cụ thừa, đồng thời giúp bạn có thể mang thêm những vận dụng cần thiết. Ví dụ, một túi bột sữa ngô gồm 48 túi nhỏ thì bạn chỉ cần mang theo số lượng mà bạn cần, chứ không nên mang theo cả túi to. Đặt biệt, hãy chắc chắn rằng bạn có nước sạch đủ uống cho cả ngày. Nếu đi phượt, bạn hãy mang bình nước riêng, không phụ thuộc vào bạn đi cùng. Nếu chuyến đi của bạn dài ngày, bạn nên mang những viên khử trùng để sử dụng nước ở những con suối, sông dọc đường đi.

Lưu ý : Không để lại dấu vết cắm trại
Để bảo vệ thiên nhiên hoang dã và vẻ đẹp hoang sơ của nó, khi nhổ trại, bạn hãy dọn dẹp các loại rác thải, đặc biệt những loại rác vô cơ. Bạn hãy chuẩn bị những túi để đựng rác. Bạn hãy tắm và làm các vệ sinh cá nhân cách nguồn nước 60m. Tại Việt Nam, rất nhiều nơi người dân địa phương không có nước máy mà phải sử dụng nguồn nước tự nhiên để sinh hoạt. Hãy trả lại hiện trạng ban đầu của môi trường như khi bạn mới đặt chân đến nhé.

4. Trang phục phù hợp
Lựa chọn trang phục phù hợp sẽ giúp bạn có một chuyến đi thoải mái và an toàn. Một số lưu ý nhỏ khi bạn lựa chọn trang phục:
Không nên mặc quần áo quá bó sát, vì sẽ dễ làm bạn khó khăn di chuyển đường dài.
Mặc trang phục nhiều lớp, mỏng, nhẹ để dễ cởi đồ ra nếu bạn cảm thấy nóng khi đi trên đường.
Tất nhiên, nếu bạn đi cắm trại vào mùa lạnh, hãy mang theo đồ giữ ấm như mũ len, găng tay, áo khoác, tốt nhất là loại chống thấm nước. Điều tồi tệ nhất lúc đó là bạn bị ướt và cảm lạnh.
Đặc biệt, nếu bạn cắm trại trong rừng, hãy mang thêm áo khoác. Đêm trong rừng nhiều sương và rất lạnh, đặc biệt khi bạn không vận động như ban ngày.
Nếu trong chương trình có “tiết mục” đi bộ thì giày cũng là đồ mà bạn cần để ý tới. Hãy đi giày phù hợp với đôi chân của bạn, không quá lỏng, cũng đừng quá chật, sẽ làm bạn không thoải mái nếu đi đường dài và đặt biệt có khả năng thấm mồ hôi.

Cắm trại ven hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt
Cắm trại ven hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt / Ảnh: Phong Vũ



5.Thuốc chống côn trùng
Khi hạ trại, bạn hãy lưu ý tránh những tổ côn trùng như kiến, mối, những con bọ... Nếu bạn ở gần nơi có rau cỏ hoa màu, hãy mặc quần áo dài để tránh những con bọ hoặc côn trùng từ rau. Để cẩn thận, bạn hãy xịt thuốc chống côn trùng vào những chỗ hở trên người.

6. Bộ sơ cứu cá nhân
Trong trường hợp không may, bạn hoặc ai đó trong nhóm bị thương trong chuyến đi, đặc biệt những tai nạn nho nhỏ như ngã xước da hoặc đứt tay trong khi làm các việc bạn không hay làm hàng ngày như đóng cọc cắm trại, bổ củi nấu ăn, ... Vì vậy, trong nhóm nên chuẩn bị một bộ đồ sơ cứu dành cho tất cả mọi người. Ngoài ra, bạn cũng nên tự trang bị thuốc đặc biệt cho riêng mình nếu như bạn có tiểu sử bệnh nào đó.
Bên cạnh đó, nếu có thể, bạn nên chuẩn bị một số kiến thức về các loại thảo dược để có thể tận dụng được những cây thuốc bạn gặp ven đường.

7. Vệ sinh cá nhân
Và cuối cùng, các bạn sẽ tự hỏi làm thế nào để giữ gìn vệ sinh thân thể trong điều kiện cắm trại không mấy thuận tiện? Sau đây là một số lời khuyên dành cho các bạn:
Hãy mang theo lọ rửa tay khô, sử dụng nó trước khi bạn ăn, uống hoặc sau khi làm vệ sinh cá nhân.
Sử dụng cồn và bông để lau những chỗ không nhạy cảm trên cơ thể.
Khi đánh răng, bạn hãy sử dụng nước tinh khiết và cuối cùng là chỉ tơ nha khoa.
Bàn chân của bạn sẽ khá bẩn trong khi cắm trại, do đó tận dụng những lúc qua suối, cởi giày và ngâm chân của bạn trong nước một vài phút.

Không nên sử dụng nước hoa, hoặc bình xịt có mùi thơm bởi chúng sẽ thu hút côn trùng.
Bọc đồ dùng vệ sinh cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng và xà phòng riêng trong giấy nhôm khi đóng gói để đảm bảo chúng không làm ướt các đồ khác trong balo của bạn. ( hình ảnh bên dưới là những nơi mình đã từng camp nhé) 

Bài viết thuộc về Hiệp Lực
CHÚC CÁC BẠN CÓ MỘT CHUYẾN ĐI Ý NGHĨA VÀ VUI VẺ BÊN BẠN BÈ
#vietnamoi #kinhnghiemdulichcamtrai #campping

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

Tại sao người miền Nam sống hào sảng thẳng thắng như "ruột ngựa"

 Chúa Nhựt,tâm sự loài chim biển với chính chúng ta

Cái đề tài này hay,phải nói tiếp,không có gì phải ngại ngùng hết,chúng ta nghĩ sao cứ nói vậy,nói thẳng.Người Miền Nam xưa rày tánh thẳng như ruột ngựa ,sống mở,sống luôn nhìn sự thực để làm mình tốt hơn ,người mà bầy đàn,sống kiểu co cụm đóng cửa coi mình là nhứt ,kiểu lũy tre làng thì không phải là người Miền Nam

Cái hình dạng Miền Nam chúng ta như cái ẹo quệt thẳng từ Biên Hòa xuống Cà Mau,Hà Tiên ,ốm nhách,dài sọc,men theo bờ biển ,con đường ven biển này của lưu dân ngày xưa,chính tổ tiên chúng ta tìm đất mà thành




Thời Nguyễn Gia Định thành là đô thành của Miền Nam,thủ đô Lục Tỉnh ,nó lớn,nó quan trọng, nó giàu có là điều không ai chối được

Qua thời Pháp phân ra 21 tỉnh từ Bà Rịa tới Hà Tiên thì Sài Gòn vẫn là trung tâm đô thị lớn nhứt vùng

Những năm thời Pháp đô thị trung tâm của cửa ngõ vào Miền Tây là Mỹ Tho ,trung tâm của ga xe lửa,của cầu tàu Lục Tỉnh ,của các đại bang cải lương ,chợ Mỹ lớn không thua chợ Bến Thành

"Trên Sài Gòn, dưới Mỹ Tho
Đâu đâu phong cảnh cũng nhường cho"

Trung tâm của miệt Hậu Giang là Vĩnh Long ,tỉnh lỵ Vĩnh Long đã có thớ thời nhà Nguyễn rồi ,nơi đó có chợ Vĩnh Long lớn,có Văn Thánh Miếu

Khi Vĩnh Long phồn vinh thì Cần Thơ,Long Xuyên,Rạch Giá ,Cà Mau ,Bạc Liêu còn sình lầy quê mùa

Đi một vòng Lục Tỉnh,bạn phải để ý,các đô thị chung quanh Sài Gòn đều không lớn

Thí dụ như trước 1975 Biên Hòa được nhớ tới căn cứ quân sự,có phi trường không quân chứ nó như cái thị trấn buồn tênh .Bán đảo Vũng Tàu nằm vị trí rất xa,rất hẻo lánh nhưng nhờ có biển ,là nơi biển có cát trắng gần Sài Gòn nhứt nên du lịch nó phát triển ,Vũng Tàu có đồ hải sản,có khô,có tôm ốc,có bánh khọt

Tây Ninh ngày xưa cũng không ai biết,có đi cũng ít ai ghé qua thành phố này ,ghé để làm gì khi mục đích là cúng viếng,ngủ trên núi Bà Đen,xong ghé Tòa Thánh rồi rời về lập tức

Thủ Dầu Một-vùng đất khá giàu trong lịch sử Miền Đông Nam Kỳ,tỉnh lỵ Thủ Dầu Một đặt ở làng Phú Cường có chợ Thủ,gần đó có Lái Thiêu giàu có nhờ làm đồ gốm và vườn trái cây.Nhưng đồ gốm đi bằng ghe,trái cây thì dân Sài Gòn lên Lái Thiêu cuối tuần ,cũng không có ai lên Thủ Dầu Một làm gì .Thành ra tới ngày nay thành phố này dù mang danh tỉnh giàu,nhưng du khách cũng không ghé để làm gì

Tân An là thành phố oan mạng nhứt ở Nam Kỳ,quá gần Sài Gòn ,dù là tỉnh lỵ nhưng trước đây nó như cái thị trấn tỉnh lẻ nhìn buồn buồn,hầu như có thời gian dài Tân An không phát triển ,cũng không có du khách nào ghé ngủ dù một đêm,khách sạn ở đây rất ít

Tân An ngày nay khá ra hình dáng đô thị nhưng cũng chỉ là "nội bộ" với nhau thôi,du khách vẫn không ghé Tân An để làm gì

Nó không phát triển được vì gần Sài Gòn,có gì dân chạy ào lên Sài Gòn rồi,cần chi phải đầu tư cho nó

Hồi xưa còn Lộ 4,dân đi xe đò từ An Lạc về Miền Tây ghé Bến Lức ăn khóm,chạy ào qua cầu Tân An ,có ngó ngàng gì tỉnh lỵ Tân An .Tỉnh lỵ Tân An,làng Bình Lập là quê hương ông Huyện Sĩ Lê Phát Đạt là người giàu nhứt Lục Tỉnh ngày trước

Xe đò ào về tới Trung Lương ,xưa cái lộ về Mỹ Thuận là đường Lê Thị Hồng Gấm nên xe chạy vào trung tâm Mỹ Tho ,sau có ngã ba Trung Lương đã ép xe quẹo phải về Cai Lậy từ vòng ngoài rồi.

Ai có qua Mỹ Tho chỉ là dân Bến Tre ,xuống ăn uống chút đỉnh ở phà Rạch Miễu ,sau có cầu rồi thì bye Mỹ Tho càng nhanh

"Bậu qua phà Rạch Miễu
qua lẽo đẽo theo sau
Tiền Giang sông Cửu rộng
cứ xem mình của nhau"

Mỹ Tho không còn cầu tàu Lục Tỉnh,không còn ga xe lửa,Lộ 4 thì quẹo vòng ngoài rồi,vậy là nó cũng trở thành thành phố buồn hiu hắt ,thành phố hủ tíu nổi tiếng quê vợ TT Nguyễn Văn Thiệu

Ai có ở lại Mỹ Tho một đêm sẽ biết cái cảnh "Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu" ,còn có cảnh "bất thành văn" sau 10 h đêm thành phố gần như bị "giới nghiêm" nữa,mấy anh CA xứ này hơi bị khó tánh

Mà hình như do địa hình,các đô thị Miền Tây đều nằm ở vị trí ngã ba hết ,và dọc theo các con sông

Hệ thống sông Đồng Nai,Vàm Cỏ,Cửu Long để trổ từ Tây Bắc xuống Đông Nam đã tạo ra sự cách biệt giữa các thành phố .Có những đô thị nằm ở vị thế rất khó khăn nếu nương theo Lộ 4 (QL1) ,thí dụ như Sóc Trăng,Trà Vinh ,Cao Lãnh,Sa Đéc...

Thời VNCH ,Mỹ nhìn ,dòm qua Cần Thơ,nơi đó đặt quân đoàn 4 của VNCH,Cần Thơ từ từ được coi là đô thành Tây Đô của Miền Tây,Vĩnh Long mất vị trí

Nhìn địa lý,vị trí Cần Thơ không tốt hơn Vĩnh Long ,Vĩnh Long nằm giữa Tiền Giang và Hậu Giang ,Vĩnh Long vẫn gần Sài Gòn hơn Cần Thơ

Nhưng VNCH chọn Cần Thơ vì nó nằm gần những cánh đồng ,những con kinh xáng múc,xáng thổi được đánh số của miệt Hậu Giang nhứt ,thời của lúa gạo,nhà máy xay xát,chà lúa và chành lúa gạo

"Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
Anh thương em thì cho bạc cho tiền
Đừng cho lúa gạo, xóm giềng họ hay"

Nhưng mà dù mất vị thế,Vĩnh Long với bề dày lịch sử của mình vẫn có cái gì đó để mà người ta phải nhớ ,phải đi tìm

"Ôi nhắc tới người Vĩnh Long để thương để nhớ...!"

Nơi đó có Văn Thánh Miếu,có một tuồng cải lương nổi tiếng mang tên "Tuyệt tình ca" ,đất Vãng Luông-quê hương của ông Trần Văn Hương

Xế xế ở châu thành tỉnh Vĩnh Long có một cái làng xưa kêu là Tân Ngãi.Làng Tân Ngãi –chợ Trường An là cái làng từ Mỹ Thuân vô chưa tới châu thành Vĩnh Long,có thể gọi là ngoại ô tỉnh lỵ

Làng Tân Ngãi có chợ Trường An là cái chợ nữa quê nữa phố,nhỏ chút xíu,bán buôn cũng không nhiều,chẳng đông đúc là mấy

Vậy mà,làng Tân Ngãi –chợ Trường An nổi tiếng lại nhờ tuồng cải lương “Tuyệt tình ca” và nhân vật chánh lại là một người đàn bà làm bé

Đó là cô giáo Lan

"...Nhứt là mỗi lần tôi thấy bông ô môi mới điểm hồng trong gió chướng; mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang; mỗi lần có dịp về Vĩnh Long đi ngang Tân Ngãi thấy nhà chợ Trường An là mỗi lần tôi nhớ đến mùa xuân của đầu năm binh lửa...."

Dân Nam Kỳ nào mà cũng biết Vĩnh Long qua tuồng này

Coi cải lương xong ngẫm ngợi trong đầu,và tin chắc cú rằng,có cái nhà ở xéo chợ Trường An, làng Tân Ngãi đã từng có một cô giáo Lan và hai đứa con Long Hồ,Trường An bằng da thịt thiệt

Nhớ Út Trà Ôn ca

“Tôi đang đứng trước mặt mình đây. Tôi đứng đây mà tưởng như đang đứng trên bờ sông Mỹ Thuận, khi mình quay xuồng tách bến để trở lại với hai con. Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn, con nước lớn lục bình trôi rời rạt. Chiều đã xuống mặt trường giang bát ngát mà bóng người thương lẩn khuất giữa sông… đầy.”

Xưa còn bắc Mỹ Thuận ,khi chờ bắc qua rước,ai cũng nhìn khúc sông Mỹ Thuận,hình dung ra có một chiếc ghe tam bản ,một người đà bà Vĩnh Long chèo ghe đưa chồng qua sông như đưa Kinh Kha qua sông vậy

Sa Đéc là tỉnh lỵ cũ của Đồng Tháp xưa ,xứ này giàu,có chợ lớn,có hủ tíu ,bột Bích Chi,bánh phồng tôm cũng nổi danh,có nhà cổ ,sau này có làng bông ,có nhà cổ "Người tình" ,xứ nước ngọt quanh năm nên cây trái tốt lành

Ai đã đi rồi sẽ thích Sa Đéc hơn Cao Lãnh dù Cao Lãnh mới có đường rộng hơn

Có 2 đường về Miền Tây ngày đó,một qua bắc Cái Vồn,một qua bắc Vàm Cống

Cái Vồn thì về Cần Thơ,Sóc Trăng.Vàm Cống về Châu Đốc,Rạch Giá

An Giang là tỉnh cố cựu,có nước ngọt quanh năm,có dân đông,có nhiều cổ tích ,có nhiều tôn giáo như Bửu Sơn Kỳ Hương,Tứ Ân Hiếu Nghĩa,PG Hòa Hảo và huyền thoại rất hấp dẫn về các ông đạo

An Giang có "thánh địa" Công giáo Nam Kỳ là Cù Lao Giêng

Tỉnh này cũng có lãnh tụ kháng Pháp với Đức Cố Quản Trần Văn Thành

Thời Nguyễn,Châu Đốc là tỉnh lỵ của tỉnh An Giang

Pháp chia An Giang ra hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên -trong 21 tỉnh của Nam Kỳ thuộc Pháp,qua thời VNCH nhập lại An Giang thì tỉnh lỵ của tỉnh An Giang được chuyển từ Châu Đốc sang Long Xuyên, từ đó Châu Đốc không còn là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh An Giang nữa.

Và ngày nay cũng vậy

Nhưng nói về danh tiếng thì Long Xuyên chưa bao giờ qua được Châu Đốc ,những nơi hấp dẫn du khách đều nằm ở mé Châu Đốc ,thánh địa Hòa Hảo nằm mé Châu Đốc

"Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc bằng gió Gò Công
Nổi một trận giông lạc vợ mất chồng
Đêm nằm nghĩ lại phập phồng lá gan"

Châu Đốc là xứ biên cương,có kinh Vĩnh Tế huyền thoại,có núi Sam và gắn với Thất Sơn linh thiêng .Châu Đốc có sông Hậu bao quanh,có chùa Tây An danh trấn,có lăng Thoại Ngọc Hầu ,có những ngôi đình cổ ,xứ của bún cá bông điên điển củ ngãi bún và các loại mắm,bánh bò thốt nốt

Cái nhứt ở Châu Đốc là miếu Bà Chúa Xứ,chốn tâm linh mà dân Nam Kỳ ở khắp nơi phải về mà lạy bà ,Châu Đốc giàu có cũng nhờ bà

Nghe cô Lệ Thủy ca ,coi mà lượm địa danh,đặc sản

"Miền tây quê hương ai về ai nhớ ai thương
Vừa qua Long An Chợ Đào hương lúa còn vương
Tiền Giang Mỹ Tho Cái Bè Gò Công Tân Phước
Rạch Miễu xây cầu đường về Bến Tre gần hơn
Đường đi Vĩnh Long không còn những chuyến phà xưa, xe ta bon bon trên cầu Mỹ Thuận gió đưa
Trà Vinh Trà Cú đón chào mời nhau bánh tét
Sa Đéc rạng ngời yêu dấu Tháp Mười Tràm Chim
Ghé bến Ninh Kiều qua cầu Cần Thơ..nối vui đôi bờ, sông Hậu Giang, Sóc Trăng đón chờ nghe lời rao,
Cô nàng bán bánh ngon,
Mua dùm em, bánh pía Vũng Thơm..
Từ chối đành sao lời rao chân thật, từ chối đành sao vị đất quê mình.
Bạc Liêu xứ sở tôi yêu, nghe tiếng ai đàn, lả lơi câu vọng cổ, về thăm mảnh đất An Giang, Châu Đốc vía Bà 23 tháng 4
Đi lễ dâng hương, mong gia đạo bình an...
Về thăm Kiên Giang Gồng Giềng Miệt Thứ An Biên, chiều qua Hà Tiên Đông Hòa Hòn Đất Gò Quao, Cà Mau mến yêu cuối trời U Minh,Xóm Mũi,
Ngọc Hiển Rạch Tàu cho nhớ thương nhiều Cà Mau...
Ruộng xanh tốt tươi bao đời nuôi ta khôn lớn,
Vựa lúa quê mình đó là miền tây quê tui"(Hết trích)

Rõ là ,nói rõ luôn : "về thăm mảnh đất An Giang, Châu Đốc vía bà..." chứ đâu có ghé Long Xuyên

Thành ra dân có từ Sài Gòn về,qua bắc Vàm Cống là chạy riết về Châu Đốc ,về càng nhanh càng tốt,có ai ghé Long Xuyên đâu

Đi ngang dòm ra biết đang qua Long Xuyên,nhưng đâu có ai ghé lại ngủ dù là một đêm .Muốn ngủ lại Long Xuyên thì du khách phải có mục đích là về Long Xuyên và xác định điểm dừng ở đó

Thành ra trong lịch sử,Long Xuyên mang tiếng tỉnh lỵ,nhưng lại là chổ buồn hiu trong mắt du khách .Mà Long Xuyên lại quá gần Cần Thơ ,thành ra có những thứ hút khách du lịch thì Cần Thơ hút hết rồi

Đặc sản Long Xuyên có gì? Bún cá Long Xuyên cũng từa tựa bún cá Châu Đốc

Cơm tấm Long Xuyên là món nổi tiếng nhứt

Cơm tấm Long Xuyên là một phiên bản của cơm tấm Sài Gòn nhưng ăn sẽ thấy có rất nhiều điểm khác biệt so với Sài Gòn,đây là đặc trưng vùng ,xứ

Cơm tấm Sài Gòn sườn nướng để nguyên miếng,Long Xuyên sẽ xắt sườn nhỏ ra, bì và trứng kho cũng được cắt nhỏ.Ăn cơm tấm Long Xuyên cái gì cũng xắt nhỏ ra nên ăn ít ngán hơn cơm tấm Sài Gòn

Cơm tấm Long Xuyên ngon,lạ,nhưng vẫn chưa phải là cái để kéo chân người ta đi Châu Đốc phải ghé Long Xuyên

Trong Nam Kỳ mình nói về sắc đẹp thì chỉ có Nha Mân là danh tiếng

“Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh, gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”

Sau đó có trại ra,thí dụ:

"Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu"

Nghe nói con gái cù lao Ông Chưởng cũng được khen nhưng không nổi tiếng bằng con gái Nha Mân.

Có câu sau này là :"Trai Nhân Ái gái Long Xuyên"

Trong "Lịch sử An Giang" Nxb TH An Giang, 1988 chú thích câu này như sau:

"Theo nhà văn Sơn Nam: Trai Nhơn Ái giỏi nghề đóng tam bản, ghe hầu. Gái Long Xuyên giỏi khắp miền với bánh trái, thêu thùa, may vá "

Tức là cô gái Long Xuyên không đẹp,chỉ là giải giang đảm đương ,khéo tay .Chữ giỏi và chữ đẹp khác nhau

Có thơ về gái Chắc Cà Đao nè:

"Em là gái Chắc Cà Đao
Xứ quê xa lắm anh nào có hay
Thương anh còn một chút này
Gửi thuyền cho bến, gửi mây cho trời
Gặp đây là chút tình thôi
Cõng nhau đi trọn kiếp đời mai sau"

Nhưng dân gian An Giang lại có câu:

"Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng,
Cùm tay bự hơn cùm chưn"

Anh Việt Thu tả gái vùng này "xinh" ,"duyên" trong bài nhạc "Giòng An Giang":

"Giòng An Giang sông sâu nước biếc
Giòng An Giang cây xanh lá thắm
Đây những người thôn nữ xinh
Duyến dáng chuyền tay dắt nhau
Múc mấy vầng trăng đổ đi"

Nhiều bạn nói sao không kể ra cô Thẩm khi nói về LX.Cái này nói cũng rón rén thôi,một vinh quang,một nhan sắc tân thời trước 1975,nhưng đó là nhan sắc có bàn tay của bác sĩ thì không thể kể ra ,chưa kể còn tranh luận cổ là dân Hải Phòng hay dân LX

Thôi,nói Long Xuyên vậy thôi,mắc công lại hiểu lầm um sùm nữa,tôi cũng hơi sợ sợ khi nhắc về LX rồi

Các bạn An Giang có biết là tôi-một chiếc xe Honda từng lòng vòng khắp An Giang hồi năm 2014 đó nhen

Không biết từ khi nào một số bạn trẻ LX cho mình nhứt và phân biệt các vùng khác ,tự bỏ mình ra khỏi dòng chung Nam Kỳ Lục Tỉnh ?Cái kiểu lũy tre làng ,tự đóng cửa ta đây số một không phải là kiểu Lục Tỉnh rồi

Ráng nói rõ ra cho những người còn trẻ họ không biết,họ chưa biết ,sau vụ này họ phải biết

Tôi viết nhiều về các vùng Nam Kỳ,khen chê có đủ,thí dụ cô gái Mỹ Tho da trắng,tướng cao ,giọng không giống Cái Bè,Cai Lậy nhưng mặt hơi tròn,về già mặt bự bự ,mắt mí lót....vậy là người Mỹ Tho nói đúng ,chẳng ai càm ràm .Người Mỹ Tho thân thiện,dễ thương ,cái dễ thương mới làm người ta chết điếng

Ai cũng yêu quê mình hết,cái xứ của mình,cái thum,cái xóm của mình

Nhưng từ hồi lập xứ tới giờ người Nam Kỳ Lục Tỉnh là một,chúng ta đi khắp nơi,nay ở Sài Gòn,mốt Biên Hòa,kia Sóc Trăng,nọ Hà Tiên,đâu đâu cũng là nhà của mình ,nơi nào cũng một giọng Miền Nam

Các tỉnh Nam Kỳ ăn uống cũng có bao nhiêu món đó thôi,chục,trăm món,nhìn chung y chang nhau ,nhưng có khác ở vài cách chế biến và món chang

Khi nói ăn không được,tôi khó ăn không có nghĩa là ghét bỏ,mạt sát,đó là khẩu vị cá nhân.Có người ăn mắm sống được,có người ăn không được ,cũng như sầu riêng vậy

Mình cùng dân Lục Tỉnh ,cùng con cháu lưu dân,cùng ăn cái bánh ít,đòn bánh tét,cùng "hò ơ hò"

"Quê hương tôi chín con sông tên Cửu Long
Dân quê tôi sống quanh năm quen ruộng đồng.
Từ ngàn xưa, cây lúa đã nuôi dân mình no ấm
Phù sa mát ngọt như dòng sữa mẹ muôn đời"

Ngày nay sau 1975,có nhiều hệ lụy từ quá trình cai trị,quản lý và di cư,và có một chủ đích riêng biệt.Thành ra có nhiều cái không còn là bản chất của người Lục Tỉnh xưa,ai hiểu sâu sẽ rất buồn cho cái tình xứ sở

Đâu có người Miền Nam nào chửi "Đ.uỵt m mày"

Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người biết suy nghĩ,biết yêu thương,biết nhìn ngó rộng ra xa ra vấn đề ,vẫn còn nhiều lắm

Thành phố mình nằm ở vị trí ngã ba đường,muốn níu chân lữ khách thì chính con người ở đó phải thân thiện,tìm ra cách thức,món nào đó rất riêng mà dụ khị người ta phải ghé ,chứ đón khách bằng chửi bới ,lấy hình ảnh cá nhân người ta bêu rếu,mạt sát thì xưa nay chưa hề thấy ,ai dám ghé nữa

Mình đẹp hay xấy là do người khác nhận xét,đâu có kiểu "Tao đẹp,tao đẹp" để ai cũng lắc đầu .Mà cái mặn mòi,có duyên,có nết ,đảm đang,giỏi giang,chịu khó của người Nam Kỳ mình lại hơn cái đẹp "hỗn" chứ-lại không tự hào.

Ngày nay đẹp mà dao kéo,đẹp tắm trắng thì kể ra cũng bằng thừa ,mày vô duyên,đố ông bà bs nào làm mày có duyên đặng

Ngộ cái là,những người đẹp thiệt không đá động tới,loi nhoi chỉ toàn người ....không đẹp (có lẽ nhìn kiếng xong thấy tự ái ,nói kiểu Hoài Linh là nhìn mình ói ba bận)

Nói thẳng,nói thực ,không lòng vòng ,biết sở trường sở đoản là cách mà Nam Kỳ tồn tại bấy lâu nay

"Người Phương Nam say thì say trọn
Người Phương Nam buồn thì buồn sâu
Nỗi nhớ cố hương còn chếnh choáng
Văng vẳng ầu ơ, giọng ví dầu..."

Xin kết bài bằng mấy câu của ông Đào Văn Hội trong cuốn "Tân An xưa":

" Tiền nhân ta lại đổ biết bao nhiêu xương máu, cương quyết bảo vệ quyền sở hữu của mình, không để cho ai cướp giựt một tấc đất đai, ngõ hầu lưu lại cho con cháu một di sản vật chất lẫn tinh thần vô cùng quí báu

"Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách " (Nước nhà còn mất, kẻ thất phu cũng có trách nhiệm)

Dĩ nhiên là phận sự tối thiêng liêng của chúng ta đã vạch sẵn trong từng trang lịch sử :

- Tận tâm bảo vệ Tổ quốc quê hương bằng mọi cách cương nhu, võ lực và chánh trị

- Tận lực phát triển di sản ấy cho ngày càng hoàn mỹ, hùng cường, phồn thạnh, văn minh.

Và phận sự cao cả ấy, ta phải cùng nhau chung vai gánh vác, không thể giao phó cho ai, ỷ lại vào ai được. Ỷ lại vào tha nhân, tức là ta đương nhiên phủ nhận lịch sử vẽ vang của ta, lịch sử oai hùng của những kẻ bất khuất chống mọi ngoại xâm và mãnh liệt trên đường Nam tiến. Thi hành phận sự một cách nồng nhiệt hăng say, ta mới tỏ ra xứng đáng thọ hưởng di sản tiền nhân để lại. Tiền nhân sẽ hãnh diện có con cháu như ta."


Nguyễn Gia Việt

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2020

Ô QUY HỒ

Từ trung tâm Sa Pa ngược đường đèo theo quốc lộ 4D khoảng 6km - 10km là địa danh mang tên gọi Ô Quy Hồ.

Mấy năm gần đây thấy rộ trên các trang mạng, kể cả trên Wikipedia cũng giới thiệu về tên gọi Ô Quy Hồ như sau:

"Đèo Ô Quy Hồ được gọi theo tên bản Ô Quy Hồ nằm cạnh quốc lộ 4D, nay thuộc phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa[2]. Tên bản đặt theo tiếng H'Mông, song người từ xa đến ưa gọi "Ô Quy Hồ" có phát âm nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, tên gọi đèo Hoàng Liên, hay đèo Hoàng Liên Sơn hình thành do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ.


Hoàng hôn đèo Ô Quy Hồ
Đèo Ô Quy Hồ - Ảnh minh hoạ: Khánh Sói Sầu



Có ý kiến cho rằng tương truyền ở vùng núi này, ngày trước hiện diện một loài chim có tiếng kêu da diết, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Từ đó, theo thời gian chính tiếng kêu ô quy hồ của loài chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo hoang dại ở độ cao gần 2000 m này."

Tôi không đồng ý với cách lý giải trên về tên gọi Ô Quy Hồ, dù rằng người viết đã cố gắng đưa về truyền thuyết để tô điểm thêm nét đẹp của một địa danh với mục đích chính phục vụ cho du lịch. Vì rằng chẳng có loài chim nào có thế cất tiếng kêu (hót) được tiếng Ô -Quy-Hồ. Người H'mong là dân tộc đầu tiên đến khai khẩn vùng đất này cũng chẳng có dòng họ nào có họ Ô hay Quy hoặc Hồ.Nên cũng chẳng có chàng trai nào có tên gọi Ô Quy Hồ thì lấy đâu ra chàng trai trong truyền thuyết. Tôi cũng chưa bao giờ được nghe người H'mong nào kể về câu chuyện này, mặc dù tôi tiếp xúc với họ thường ngày.

Trước đây cũng đã nhiều người tìm hiểu và giải thích cặn kẽ về tên gọi Ô Quy Hồ, nhưng không hiểu vì sao những tài liệu đã được nghiên cứu công phu và thuyết phục như thế lại không được phổ biến rộng rãi, dẫn đến những cách hiểu sai lạc như vậy.

Xin được giải thích lại tên gọi Ô Quy Hồ là cách người H'mong gọi con suối dưới chân vùng đất mình ở theo tiếng Quan Hoả có nghĩa là "Suối Rùa Đen". Tiếng H'mong gọi là Đề Pho Ki với cùng ý nghĩa. Gọi là Suối Rùa Đen không phải vì dòng suối này có nhiều Rùa Đen mà đây là chuyện kể về hai phiến đá màu đen có hình hài của hai con Rùa lớn.

Trước đây hai con Rùa đá này ở bên sườn núi Ô Quy Hồ, hướng mặt về phía đỉnh FanSipan. Mỗi năm hai con Rùa này trượt xuống và xuôi theo dòng suối Ô Quy Hồ một chút. Sau, đến khu vực bản Sín Chải thì dừng lại không chịu đi nữa mà ở đó mãi đến tận ngày nay. Chuyện này ở bản Sín Chải từ trẻ em đến người già ai cũng biết tường tận.

Ô Quy Hồ còn nhiều câu chuyện về lịch sử di dân, chuyện con đường của người Trung Quốc, chuyện Đồi Máy Cày, chuyện những vườn Lê cổ thụ, chuyện những Cánh Đào Mang Săc Máu. Có rất nhiều câu chuyện chỉ cần bạn chậm lại thủ thỉ tâm tình, bạn sẽ được những người bản địa kể cho nghe nhiều điều thú vị, và chắc chắn sẽ làm bạn ngạc nhiên mà lưu luyến bước chân về.


======= (Bài viết copy từ nhà anh Nguyễn Trung Kiên)


Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

Bà Rịa ngày xưa

Thấy nhiều bạn giải thích địa danh Bà Rịa là lấy tên Nguyễn Thị Rịa,một người Phú Yên đã có công to lớn trong việc khai khẩn để đặt tên cho vùng đất này.Bằng chứng ở Bà Rịa còn cái mả của bà này.Viện Viễn đông bác cổ Pháp (E.F.EO) dựng lại mộ Bà Rịa năm 1902 và được chánh quyền địa phương trùng tu năm 1936


Tuy nhiên thực ra bà Nguyễn Thị Rịa có thực không cũng không có thư tịch gì chứng minh,cái mả chỉ là dựng lại,cũng chắc gì có xương cốt ai trong đó

Nam Kỳ Lục Tỉnh mình địa danh "Bà" thì hằng hà sa số

Gần đó,mé Sài Gòn ,chợ Bà Điểm cùng với các chợ Bà Rịa, Bà Chiểu, Bà Quẹo, Bà Hom là địa danh 5 bà nổi tiếng đất Sài Gòn Gia Định và Nam Kỳ xưa

Theo học giả Trương Vĩnh Ký thì Bà Điểm cùng với Bà Rịa, Bà Chiểu, Bà Quẹo, Bà Hom là 5 bà vợ của một viên lãnh binh, người đã xây cầu ông Lãnh

Ông này đã lập ra 5 cái chợ, giao cho mỗi bà cai quản một cái : Bà Rịa (Phước Lễ), Bà Chỉểu (Gia-Định), Bà Hom (Phú Lâm), Bà Quẹo (Quán Tre) và Bà Điểm (Thụân Kiều)

Nói vậy thì ông Lãnh Binh này còn ghét nhiều bà,thương hổng có đồng rồi

Sài Gòn còn vô số bà,thí dụ Bà Tàng,Bà Hạt,Bà Hoa,Bà Băng,Bà Bèo,Bà Lài ,Bà Bướm....

Nhớ đoạn ông cò Hương với bà vợ lớn trong 'Tuyệt tình ca" , bà đã trách chồng chuyện quá khứ rằng:

” Ông à, trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai hai vợ mà ông thương không đồng
Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu mà vợ chồng sao ông vội quên hơi”

Nhà văn Sơn Nam cho rằng, Bà Chiểu là tên vùng đất xuất hiện thời vua Tự Đức. Chiểu có nghĩa là ao nước thiên nhiên. Bà Chiểu là "nữ thần được thờ bên ao thiên nhiên"

Theo học giả Vương Hồng Sển đọc chệch từ chữ Bờ Quẹo hoặc Bàu Quẹo mà ra Bà Quẹo

Bà Hom có thể là Bàu Hom

Thực ra chẳng có ông nào năm vợ hết ,địa danh Bà tất cả đều trại âm từ tiếng Khmer,Chàm ,Mạ hoặc K`hor mà ra

Xin trở lại xứ Mô Xoài xưa

Bà Rịa xưa là xứ Mô Xoài,Mõ Xoài,Mõi Xuy trong sử Việt

Xứ này có sau năm 1623 -vua Chân Lạp Chey Chetta II sau khi lấy bà công nữ Ngọc Vạn đã chấp thuận cho người Việt vào định cư mần ruộng ở Đồng Nai, Bến Nghé, thuận cho chúa Nguyễn đặt trạm thâu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và lập khu dinh điền Mô Xoài (Bà Rịa)

Năm 1880, dưới thời Pháp Nam Kỳ được chia ra làm 20 hạt rồi 20 tỉnh theo vần như sau:

" Gia (Định), Châu (Đốc), Hà (Tiên), Rạch (Giá), Trà (Vinh), Sa (Đéc), Bến (Tre), Long (Xuyên), Tân (An), Sóc (Trăng), Thủ (Dầu Một), Tây (Ninh), Biên (Hoà), Mỹ (Tho), Bà (Rịa), Chợ (Lớn), Vĩnh (Long), Gò (Công), Cần (Thơ), Bạc (Liêu)"

Pháp đặt tỉnh Bà Rịa ,tỉnh lỵ Bà Rịa đặt ở làng Phước Lễ .Khu trung tâm là đình Phước Lễ với cái bồn nước

Bà Rịa là đọc trại từ Bà Lị hay Bà Lợi, Bà Lịa thành Bà Rịa hoặc từ Bà Ray - Bàn Rey thành Bà Rịa là tên một vương quốc cổ nằm giữa Khmer và Chàm

Trịnh Hoài Đức đã viết trong "Gia Định thành thông chí" hồi năm 1820 : “Bà Rịa ở đầu trấn Biên Hòa là đất có danh tiếng”

Một cách giải thích nữa là Bà Rịa vốn tên gọi Khmer của một cái bàu gần Long Điền là Bà Rày hay Bà Rey, đọc trại thành Bà Rịa. Cái Bàu đó sau đã mang một cái tên Việt là Bàu Thành

“Bao giờ Bưng Bạc hết sình
Bàu Thành hết nước thì mình hết thương”

Thành ra có truyền thuyết "mộ Bà Rịa" tức bà già tên Rịa nào đó là không đúng

Có câu:”Cơm Nai - Rịa, cá Rí – Rang”

Thời Nguyễn đất Bà Rịa thuộc tổng Phước An ,dinh tổng đặt tại chợ Hắc Lăng là khu Long Điền ngày nay.

Sau đó dời về chợ Phước Lễ (Chợ Dinh) tức chợ Bà Rịa ngày nay

Bà Rịa có sông Xoài dân gọi là sông Dinh, núi Ông Hựu dân gọi là núi Dinh, chợ Phước Lễ dân gọi chợ Dinh

Làng Phước Lễ còn được gọi là làng Phước Dinh

Trong cuốn”Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca “ viết 1908, Nguyễn Liên Phong ca ngợi Bà Rịa là :

“Nam-Kỳ cũng lắm cảnh sang
Duy Bà-Rịa hạt rỏ ràng như tiên
Trời sanh một chổ thiên nhiên
Non xanh nước bích phải miền Bồng-lai
Nay thêm máy nước riêng ngoài
Dẩn đem nước suối có hoài cả năm”
Địa danh Nam Kỳ mình phần đông từ Khmer mà ra
"Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu
Chín trăng em đợi mười thu em chờ"

Sài Gòn cũng là chữ Khmer mà ra,từ Prei Nokor, Cần Giờ là Kanco, Gò Vấp là Kompăp, Cần Giuộc là Kantuọc và Sài Gòn là Prei Nokor

Người Khmer thời trước gọi vùng đất Mỹ Tho là srock mé sa, mi so,là xứ (srock) có nàng con gái (mé) có nước da trắng (sa, so).

Khi sang Việt ngữ, dân Việt bỏ đi chữ srock,chỉ còn giữ lại mi so gọi là Mỹ Tho

Vĩnh Long ,Vãng Luông,Vũng Luông xuất xứ từ chữ Khmer Kompong Luông,biến dần ra Vũng Luông, rồi Vãng Luông.Tên Vĩnh Long có từ năm 1832 khi vua Minh Mạng đổi ra Hán tự

Bến Nghé là Kompong Krabey

Nói về Bà,tại Tam Kỳ Quảng Nam có tháp Chàm Chiên Đàn, dân bổn địa là “tháp Bà Rầu”.Tên của nó tiếng Chàm là Kalan Yang Pakran,đọc trại Pakran thành Bà Rầu

Gần tháp có cầu Bà Dụ ,xit xuống nữa có tượng tròn như cái nia được dân địa phương gọi là “hòn đá nia”là một dạng Yoni của người Chàm ,kế đó có một tượng nghê đá

Dân có câu:“Tháp Bà Rầu, cầu Bà Dụ, đ.ụ ông Nghê”

Bà Rịa xưa cũng là xứ Hắc Lăng ,xứ có mồ mả và đền thờ của Lâm Thao Quận Công,Bình Tây đại đô đốc, Tả quận công Châu Văn Tiếp

Nguyễn Gia Việt

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020

TIẾC MỘT GÓC ĐẸP CỦA HỘI AN



Tiếc một góc đẹp của Hội An giờ đã không còn.

Trước đây mỗi lần về Hội An, không phải chỉ mình tui mà những ai cầm máy yêu cảnh của Hội An đều tìm về nơi này để chụp một vài tấm hình. Mấy chục lần đến Hội An, tui có hàng trăm tấm chụp ở đây. Đó là một góc phố với những tường ám rêu phong, mùa rêu thì xanh xanh, mùa khô thì những đám rêu ám đen cũ kỹ với mấy mái nhà nhấp nhô nhìn như bức tranh. Đó là cảnh của Hội An mà người ra không tìm thấy ở đâu khác. Bức tường, mái ngói, cái màu rất cũ đó gợi cho người ta biết bao cảm xúc khi đứng nhìn nó, khi chụp hình nó, có khi thêm một cô gái với chiếc xe đạp, có khi là một dáng đứng đầy gợi nhớ. Tất cả mang một nét cổ, một màu xưa, màu của quá khứ đã đi qua và đứng lại trên bức tường rêu và mái nhà xô nghiêng. Tất cả nhấp nhô, như gợn sóng và xô vào ta những cảm xúc. Giờ đây, cảnh cũ chẳng còn. Thay vào đó là những bức tường thẳng thớm, quét vôi sạch sẽ, những mái nhà không còn xô lệch, tất cả tinh ươm, gọn và màu vôi mới đã đốn sạch màu thời gian xưa cũ. Góc phố độc đáo của Hội An giờ chẳng khác gì hàng chục con phố chung quanh. Tiếc cho một cảnh mang hồn quá khứ, tiếc cho một khung cảnh đầy tính nghệ thuật đã mất đi, tiếc cho một hồn phách đã bị đốn bỏ nhưng cũng chẳng biết trách ai. Chỉ thấy tiếc, thật tiếc một cảnh của một thời. Và những bức tường ám rêu và những mái nhà nhấp nhô đó giờ đã trở thành ký ức. Mốt mai, Hội An sẽ còn mất đi những gì nữa khi làn sóng đô thị hoá lấn dần những ngôi nhà gỗ xưa, khi chủ nhân của những căn nhà trên đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học đã được thay bằng những người ở miền ngoài. Những người chủ Hội An hàng trăm năm giạt ra ngoại ô, xây những ngôi nhà mái bằng và lấy tiền bán ngôi nhà củ chia phần cho con cháu, nhường ngôi nhà của cha ông cho những người chủ mới lắm tiền. Giờ đây, đến Hội An vào những quán, những tiệm mới của những người chủ mới, người ta sẽ được ăn những tô mì Quảng không còn là mì Quảng, nhưng bát Cao lầu chẳng có mùi vị chi của Cao lầu Hội An. Tất cả đã phôi pha và trôi giạt về quá khứ. Phố cổ Hội An càng ngày càng thêm nhiều những chiếc lồng đèn đầy màu sắc che mất trời xanh. Nhìn về sông Hoài mà tiếc một cồn bắp để nhớ nhứng trái bắp ngọt lịm của một thời không trở lại. Nhìn sông Hoài mà tiếc cảnh xưa với những con đò và cảnh những ngôi nhà ngói đỏ bên kia sông im lìm, lặng lẽ của một thời đã mất.



Và rất là buồn khi đi vào phố cổ, vào ngồi một quán nước trong phố, không còn nghe được những người chủ quán và nhân viên giao tiếp với ta bằng giọng Hội An dễ thương mà chân chất nữa. Chỉ còn một giọng nói xa lạ và lạc lõng.
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
1.8.2020
DODUYNGOC

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

REVIEW: HUẾ - ĐÀ NẴNG - HỘI AN - 7 NGÀY 7 ĐÊM - CHỈ VỚI 3 TRIỆU 8

Một bài review cho chuyến đi 01 người ở các địa điểm du lịch nổi tiếng như Huế - Hội An - Đà Nẵng chỉ với 3,8tr một con số ấn tượng cho chuyến đi để có những tấm ảnh xịn sò mà Zai Tri phải mang về đây để chia sẻ cho cả nhà cùng tham khảo cho các chuyến đi sắp tới của mình.


Hãy cùng em về thăm Huế đi anh!
Thăm Hương Giang trong xanh và phẳng lặng
Thăm Ngự Bình vươn cao cao trong nắng
Thăm Trường Tiền trầm lắng nhịp chân khua..


 Chùa Cầu ở Hội An






Mình thì nghỉ việc, còn bạn làm nhà giáo nên được nghỉ hè. Chúng mình quyết định làm một chuyến đi “săn hình” ở những nơi xa nhà, để sau này còn có cái đem “khè” con cháu 🤭.

MỤC TỐN “LÚA” CHÍNH 💸
VÉ MÁY BAY
- Tụi mình book qua app Traveloka trước một tháng nên chỉ hết 1tr1/người (đi VJ về JS)
🏨 KHÁCH SẠN
- Huế: tụi mình book 2 đêm ở Flora Hotel (250k/đêm), khách sạn siêu ổn, phòng sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, nhân viên thân thiện. Điểm cộng là gần với cầu Tràng Tiền, đi đến những địa điểm nổi tiếng khác cũng rất tiện.
- Hội An: tụi mình book 1 đêm ở Thiên An homestay (250k/đêm), cô chủ nhà cho bọn mình mượn xe đạp, chỉ tốn khoảng 10p là tới phố cổ.
- Đà Nẵng: tụi mình book 4 đêm ở Bluetiful Homestay (225k/đêm), chỉ với 10p đi bộ là tới bãi biển Mỹ Khê. Dù giá rẻ nhưng chỗ này cực kỳ xịn mịn, phòng rộng rãi, decor đẹp.
🚗 PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
- Sân bay Huế -> khách sạn: tụi mình đi xe bus (bạn chịu khó đi bộ 500m ra khỏi sân bay, khi ra đến đường lớn thì ở phía tay trái vài bước có trạm xe bus) với giá 20k về gần khách sạn và bắt grab thêm 23k.
- Huế -> Hội An: tụi mình đặt xe thông qua vexere.com với giá 100k/người.
- Hội An -> Đà Nẵng: tụi mình bắt xe bus ở bến xe Hội An 20k/người rồi xuống xe ở gần homestay và bắt grab thêm 25k.
- Ngoại trừ Hội An là tụi mình đi xe đạp vì khá gần, còn lại tụi mình đều thuê xe máy tại nơi ở, giá dao động khoảng 100k/ ngày.
TIP: Bạn có thể coi điểm dừng nào của xe bus gần khách sạn của mình, và bảo bác tài thả bạn tại nơi ấy để bắt grab.
MỤC TỐN “LÚA” PHỤ 💸
LỊCH TRÌNH CHI TIẾT
Ngày 1 Huế:
TRƯA
- Xuống máy bay ở Huế, bắt xe về khách sạn, tắm rửa nghỉ ngơi.
CHIỀU
- Chợ Đông Ba đi dạo và ăn uống, đồ ăn ở trong chợ khá rẻ. Tụi mình chọn ăn bún thịt nướng, gia vị nêm vừa ăn và bao no.
- Làng Hương Xuân Thủy và Đồi Vọng Cảnh (địa điểm quay phim Mắt Biếc, ngắm hoàng hôn ở đây là thơ mộng hết chỗ nói).
TỐI
- Cơm hến ở 17 Hàn Mạc Tử (giá rẻ bất ngờ 10k/1 phần).
- Đi dạo ở cầu đi bộ Sông Hương (cảm giác trải chân trên cây cầu 64 tỉ phê lắm các bạn ạ).
- Huế về đêm không hề buồn, ở đây mọi người chịu chơi không thua gì SG: hội acoustic, skateboard, câu cá, ăn uống, beer club, có ti tỉ thứ để bạn quẩy về đêm.

Ngày 2 Huế:
SÁNG
- Bún bò Huế ở quán Cẩm.
- Kinh thành Huế (Vì đang trong giai đoạn kích cầu nên các di tích được giảm tới 50% tiền vé lận đó).
TRƯA
- Bánh nậm 16 Tô Hiến Thành (cô chủ quán thân thiện, một dĩa đầy đủ các loại chỉ có 30k).
CHIỀU
- Đầm Lập An (đường đi khá xa, bạn nên chuẩn bị trước xăng và thời gian để di chuyển tốt nhất).
TỐI
- Bánh canh cá lóc Trần Phú (15k/1 phần).
- Chè Ngọc Hiền (ở đây có món chè bột lọc thịt heo khá lạ nhưng ngon).

Ngày 3 Huế - Hội An:
SÁNG
- Bún bò Huế O Cương Chú Điệp.
- Cung An Định.
- Lăng Khải Định.
TRƯA
- Đi xe về Hội An.
CHIỀU + TỐI
- Cao lầu Liên.
- Dạo phố cổ, uống nước Mót, thả thuyền trên sông Hoài, ghé phố lồng đèn và chợ đêm.

Ngày 4 Hội An- Đà nẵng:
SÁNG
- Bánh mì Phượng.
- Chụp hình phố cổ (nên đi sớm để có những tấm hình xịn sò bạn nhé).
- Cà Phê Faifo, quán này thì quá nổi tiếng rồi (10 người đi thì hết 8 người checkin).
TRƯA
- Đi xe bus về Đà Nẵng.
CHIỀU
- Bánh xèo Bà Dưỡng.
- DanaBeach Color, quán siêu đẹp nằm dọc bờ biển, mình khuyến nghị là đi vào lúc 5h chiều, vào lúc trời còn nắng sẽ rất đẹp.
TỐI
- Sau một hồi ngồi chán chê thì mình được một người bạn ở Đà Nẵng dẫn đi quán cf có tên là Nam house. Quán có phong cách vintage khá bắt mắt, nước cũng rất ngon và rẻ nữa.

Ngày 5 Đà Nẵng:
SÁNG
- Bánh mì chấm ở 28 Chu Văn An (15k/phần), làm thêm một ly chanh dây nữa là hết sảy con bà bảy.
- Check in nhà văn hóa thiếu nhi và cầu tình yêu.
TRƯA
- Hải Sản Năm Đảnh (Tụi mình ăn hết 210k/2 người, no ứ hự).
CHIỀU
- Đi bộ ra bãi biển Mỹ Khê tắm, mình từng đi qua nhiều bãi biển và thấy biển ĐN là tắm sướng nhất, nước biển ấm áp dễ chịu, cát trắng và mịn.
TỐI
- Thịt heo cuốn bánh tráng ở quán Quê Xưa.
- Chợ đêm Helio.


Ngày 6 Đà Nẵng:
SÁNG
- Vì món bánh mì chấm quá ngon, nên mình sẽ ăn lại món này lần 2.
- Bán đảo Sơn Trà: hồ xanh, bãi đá obama, đỉnh bàn cờ, chùa Linh Ứng.
TRƯA
- Cơm gà Hồng Ngọc.
TỐI
- Mì quảng bếp Trang trứ danh.
- Coi rồng phun lửa và phun nước vào đúng 9h (bạn lưu ý rồng chỉ phun vào 2 ngày cuối tuần nhé).

Ngày 7 Đà Nẵng:
SÁNG
- Bánh mì thịt nướng siêu ngon Ba Hưng.
- Cầu vòm Đồn Cả.
- Dọc đường còn có cây thông cô đơn trên đèo Hải Vân.
TRƯA và TỐI
- Tụi mình ăn dọc đường và trả xe máy, sau đó nghỉ ngơi soạn đồ để sáng sớm hôm sau bay về Sài Gòn.
💰Tổng chi phí: 3tr8/ người.
NHỮNG CHIẾC TIP NHO NHỎ:
- Đi xe bus từ sân bay Huế về đến ks và từ Hội An đi Đà Nẵng sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn.
- Khi đi phố cổ vào buổi tối sẽ gặp rất nhiều người hỏi bạn thuê thuyền thả hoa đăng. Bạn nhớ chú ý trao đổi giá cho phù hợp vì họ có thể nói thách.
- Khi tới làng hương chụp hình và mua nón lá. Người bán nói với tụi mình là các cặp đôi không nên đi chùa Thiên Mụ (nếu tò mò thì search gg là biết).
- Bạn nên search gg map là “lối vào cầu vòm Đồn Cả”. Khi bạn đi tới gần đó, để ý sẽ có một đường nhỏ lát bê tông nằm ở bên phải, đi hết đường sẽ đến ga Hải Vân Bắc. Đi bộ thêm một đoạn sẽ tới cầu vòm Đồn Cả trong truyền thuyết.
- Tụi mình đi vào gần cuối tháng 7 nắng bể đầu, nên bạn nhớ trang bị kem chống nắng, nón, dù khi đi chơi nhé.
Tụi mình đi liền tù tì lúc ở Huế và Hội An, nơi đây có quá nhiều cảnh đẹp để có thể ghi dấu lại qua những tấm hình. Sự chậm rãi và dễ chịu của vùng đất Đà Nẵng khiến tụi mình hiểu rằng tại sao nơi đây lại được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
Cảm ơn bạn đã đọc hết chiếc review của mình. Chúc bạn có một chuyến đi chơi sắp tới đầy thú vị nhé 🥳.

Nguồn: Bình Lê / Nguyễn Cẩm Tiên

#review #checkinvietnam #checkinhue #checkindanang #checkinhoian