Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

Mì quảng xứ Phan

Mình không viết hoa chữ “quảng”. Vì đây đích thị không phải là Mì Quảng theo nghĩa món mì xứ Quảng Nam.

Hồi mình còn nhỏ, đận đâu 6 tuổi, chừng chập tối lờ mờ dọc sông Cà Ty, vừa xuống xe chuyến Phan Rang - Phan Thiết về quê nội, trong lúc đợi ba mình đi tìm người đón, má mình với chị mình, mình và thằng em còn ẵm ngửa chưa biết nói, ngồi ăn tạm bên một quán nhỏ gần chợ. Đó là lần đầu mình được ăn món có tên mì quảng. Cái tô mì sợi vàng, dai dai, nước lèo óng ánh sắc cam, chẳng có thịt, không hiểu sao đến tận giờ, trong trí nhớ của mình, vẫn là món ngon nhất trên đời mà mình từng được ăn.

 Mì quảng xứ Phan - Ái Vân


Thời sinh viên, đi miền Trung, khi người phục vụ mang ra món mì Quảng chính hiệu Hội An, cảm giác trước nhất của mình là ngỡ ngàng, là ngạc nhiên, là sốc!

Cái sự thảng thốt lạ lùng ấy khiến mình chẳng tâm trí đâu mà ghi nhớ món mì Quảng xứ Quảng trong lần thưởng thức đầu tiên đó ngon dở thế nào.

Sau này, có dịp đi nhiều nơi, mình phát hiện ra món mì quảng xứ mình, đích thực là một đặc sản. Vì cách nấu, cách ăn, từ sợi mì cho đến nước lèo, màu sắc, mùi vị... chẳng giống chút nào món của người xứ Quảng, ngoại trừ cái tên. 🙂

Một buổi chiều Sài Gòn vừa cúp điện, vừa mưa bay gió lay, bỗng dưng mình thèm mì quảng khủng khiếp.

Tất nhiên mình cũng rất mê món mì Quảng, khá dễ tìm giữa Sài Gòn, do chính người Quảng nấu và sợi mì thậm chí còn được chuyển từ xứ Quảng vào để đảm bảo trọn vị nguyên gốc.
Nhưng mà mình muốn ăn mì quảng xứ Phan, một món mà nhiều tín đồ mì Quảng khó chịu sẽ phán là “tào lao, cái này mà gọi là mì Q/quảng hả”. 😅😅😅

Cho nên để thoả mãn cơn thèm “ác nhơn bất tử” (như kiểu nói xứ mình), mình bắt đầu hành trình lăn vào bếp.

Vấn đề là mình chưa từng nấu món này, lâu quá lại không ăn, chẳng nhớ được cần có gì trong nồi nước mới ra trọn vị quê nhà.
Mình hỏi bạn mình, bạn mình không dám chắc.
Mình hỏi má mình, má mình nói ăn chay 20 năm rồi làm sao mà nhớ nấu thế nào.
Mình hỏi google, tất nhiên không có công thức vì ai mà chấp nhận món đó đi cùng tên đó.
Xong má mình kêu mình gọi cho bà dì hàng xóm, có từng nấu mì quảng vịt thần thánh.
Bà dì biểu rằng: “dễ lắm bé Vi, thì con cứ nấu bình thường, bỏ thịt dô úp gia dị xong tao tỏi ớt đồ lênh, xong đổ nước dô nấu cho mềm xong chan dô ăn thâu”.
Nghe dì chỉ dẫn xong, mình dạ dạ lia lịa mà lòng bối rối quá, rốt cuộc là đã chỉ chưa? 🥰
Hôm nay chợ không có vịt.
Nên mình mua giò heo, về rửa sạch sẽ, chần sơ bỏ bọt, rồi ướp gia vị các thứ (trừ đường) với nước màu điều cho thấm.



Xong mình phi tỏi Phan Rang với ớt cho thơm bừng cả góc bếp lên. Rồi tao chung sa tế, tỏi ớt phi với thịt đã ướp. Rồi cho nước vô, để liu riu cho xương mềm. Thả thêm 3 củ hành tây Phan Rang be bé xinh xinh bằng cỡ trái chanh nhỏ. Nêm nếm cho vừa ăn, thêm chút mắm Cà Ná, và tí đường phèn.
Cuối cùng thì trụng một nắm mì sợi thuôn nhỏ, dai dai mang từ Phan Rang vào, chan nước hào phóng lên cho ngập hết mì, bỏ cục giò “bự xư” vô cho có vẻ quý tộc, rắc chút đậu phộng rang lên, ăn kèm với rau sống và cọng giá giòn ngọt.
Thể nào cũng sẽ có người chặc lưỡi bảo mì Quảng gì kỳ. 🤔
Nên mình phải nhắc lại, đây là mì quảng xứ Phan. 😛
Ẩm thực địa phương là một câu chuyện dài, mà tên gọi có thể chỉ là hình thức bắt đầu để kể. Nó trà trộn trong món ăn bao nhiêu duyên cớ, bao nhiêu tiếp thu, bao nhiêu ngẫu hứng, bao nhiêu biến tấu... cho hợp người, hợp chốn. Dần theo thời gian, nó là một phiên bản sáng tạo mới hoàn toàn, chỉ còn cái tên là cũ. Đồ ăn dân dã, làm gì có chuẩn mực cứng nhắc nào. Đích đến là ngon thôi.
Tới một xứ lạ cũng như gặp một người mới.

Ăn uống cũng như yêu đương vậy, chỉ nên tập trung vào món đó thôi, đừng để tên gọi làm phân tâm so sánh, thì sẽ thưởng thức được trọn vẹn cái chất riêng của nó.
Người xa quê nhớ món quê nhà, đôi khi chẳng phải vì món ăn đó có hương vị xuất sắc. Chỉ đơn giản là họ không đánh giá nó bằng vị giác. Họ ăn nó bằng cảm giác.
Thế nên những món ngon của ký ức tuổi thơ, chẳng sơn hào hải vị nào có thể so sánh được.

Nguyễn Thị Ái Vân

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2020

Hoa dầu tháng 5



Những ngày đầu tháng năm, nắng chiều còn gay gắt, nhưng anh vẫn bước lang thang trên phố, nhớ “Nắng Saigon anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà đông”. Chậm rãi để lại phía sau những dấu chân vô định, dường như anh đang thưởng thức cái nắng hanh của một thành phố đang phát triển và có mật độ dân cư cao nhất nước này. Nhìn lướt qua có vẻ gì đó là lạ đối với một người đàn ông trung niên như anh, da hơi rám đen, đi giữa trời nắng đầu không đội nón, gương mặt đã hằn lên nhiều nếp nhăn của thời gian, đôi mắt đăm chiêu như đang hướng về một nơi chốn xa xăm nào đó, như đang cố tìm góc phố, góc đường quen thuộc đã từng “biết tên bàn chân”.

Nắng Saigon bất chợt dịu mát, nhưng không phải do đi bên em với áo lụa Hà đông, mà là do những áng mây như trêu đùa che ngang tia lửa hậm hực của lão mặt trời, là do những táng cây xòe cánh rộng in hình những bóng râm tôi tối trên nền đất. Đôi mắt anh như lóe sáng trong giây lát khi bước vào công viên quen thuộc. Quán nhỏ nằm bên trong khuôn viên giờ này khá vắng khách, cũng thiếu vắng tiếng chim khoe nhau tiếng hót líu lo từ những chiếc lồng mà khách mang đến uống cà phê sáng, treo đầy trên những dãy xà ngang. Một luồng gió lớn thổi xộc qua, chui vào giữa những chòm cây xanh lá. Một phản xạ tự nhiên, anh đứng hẳn lại, ngước lên ngây nhìn bầu trời dày đặc những cánh hoa màu vàng nhạt vừa rơi vừa xoay tròn như những chiếc chong chóng. Những ngày nắng đẹp như hôm nay anh thường tưởng tượng hoa rơi như từng đàn chim nhỏ uốn lượn sà xuống mặt đất; anh với tay hứng lấy một chiếc, tung ngược lên để nhìn nó lại rơi xuống như chiếc bông vụ, rồi một chiếc nữa, một chiếc nữa,…được quẳng ngược lên như thuở nhỏ.

Hoa dầu tháng năm. Một loài hoa trong công viên này đã gắn bó với anh non nửa đời người ở thành phố rộn rịp đầy bụi bặm, đã từng chứng kiến biết bao kỷ niệm từ những ngày cắp sách đến trường. Đối với anh những mùa hạ nồng nàn, ký ức học trò không những ở cánh phượng hồng mà còn là những cánh hoa dầu vàng xoay tít trong gió. Bao nhiêu năm qua, cứ có dịp là anh trở lại đây vào tháng năm để ngắm hoa dầu bay, để cảm nhận nỗi nhớ vẫn luôn hiện hữu. Nhớ tuổi thơ, nhớ những ngày vui đùa tung tăng cùng các bạn, nhớ cuộc tình qua đi như những giấc mơ không có điểm kết thúc,…

Khi vừa bước vào công viên thằng bé đã chạy băng băng về phía trước, bất chấp tiếng kêu của người cha, coi chừng té kìa. Nó vừa chạy vừa mải mê ngước nhìn những cánh hoa dầu rơi lả tả; hứng, chộp, bắt lấy từng cái, nhảy lên dùng hết sức để tung thật cao, cười ha hả khi thấy từng cánh hoa của mình xoay tròn rơi trong gió, rồi chạy đuổi theo để tóm chúng cho bằng được. Tiếng người mẹ lại vang lên chưa dứt thì cậu bé đã trượt ngã lăn cù trên mặt đất. Thằng em trai kế của nó vuột khỏi tay ba chạy đến xem anh mình có sao không, nhưng lại cười tươi khi cầm trong tay hai cánh hoa dầu và tung ngược lên trời như thằng anh. Cũng vừa lúc ba má nó chạy tới, trong tay người mẹ ẵm một bé trai khoảng một tuổi, tay còn lại giữ chặt một thằng bé khác đang chập chững biết đi. Nó đứng dậy phủi bụi, tình cờ một cơn gió nhẹ lướt qua,… và hình như những hạt bụi đó bay vào làm mắt anh cay cay. Dụi mắt xong anh đã thấy mình đứng trước một khoảng sân rộng đầy bóng mát…

Bên một gốc cây có vài ba chiếc xe đạp dựng đè lên nhau. Nhóm nhỏ khoảng bốn, năm học sinh nam học lớp đệ ngũ hoặc đệ tứ, vào thời của anh ngày trước (bây giờ là lớp tám hoặc lớp chín) đang đứng chụm nhúm nhau. Thời ấy học sinh chỉ học một buổi, và ngày thứ tư chỉ học có hai giờ đầu; nên buổi còn lại tha hồ tụ tập vui chơi. Chúng bắt đầu cùng nhau chạy bộ quanh một vòng nhỏ trong công viên; vừa chạy vừa nói cười rôm rả, cung cách nói chuyện ồn ào của tuổi mới lớn, luôn muốn chứng tỏ, khẳng định bản thân. Sau khi chạy vài vòng gọi là khởi động, chúng chia làm hai phe để đánh vũ cầu. Chiều cầu màu trắng tung bay qua lại giữa hai bên mà không có lưới ngăn ở giữa; hình như mỗi bên đều cố sức đánh thật mạnh, thật xa để bên kia ra sức đón đỡ. Bỗng nhiên không thấy chiếc cầu màu trắng đâu nữa mà thay vào đó những chiếc hoa dầu vàng bay qua bay lại trong tiếng cười giòn giã của hai bên…

Thời gian trôi bình thản, cậu học sinh đệ tứ ngày nào đã là thanh niên bước vào năm đầu tiên đại học với ít nhiều dáng dấp thư sinh lãng mạn, vụng dại của tuổi chớm trưởng thành. Một hai buổi chiều trong tuần anh cũng hay vào công viên này, nhưng không chạy nhảy nô đùa như những năm trước, nhưng lại thường ngồi trên ghế đá nơi khá vắng vẻ; yên lặng đọc sách, thỉnh thoảng ngước lên nhìn những cánh hoa dầu nhẹ nhàng bay, ánh mắt như ẩn chứa một mối tương tư tìm nơi gửi gắm. Gương mặt anh ngời sáng khi trông thấy cô gái trong tà áo dài trắng nhẹ nhàng bước tới và ngồi xuống bên anh. Đã có rất nhiều buổi chiều anh ngồi cùng nàng nơi này; lúc đó anh hình như đã quên đi nét thân thương của hoa dầu vàng từng quyến rũ anh. Nhưng nàng thì không, vẫn luôn thích ngắm hoa dầu rơi thật nhiều như những cánh chuồn chuồn trong chiều lộng gió. Ngồi nép vào anh, nàng đưa năm đầu ngón tay của bàn tay phải chụm vào năm đầu ngón tay bàn tay trái của anh tạo thành một khoảng trống giữa hai lòng bàn tay; hai đứa cùng đưa tay ra hứng từng chiếc hoa dầu rơi vào khoảng giữa đó. Nàng cười khúc khích, lẩm bẩm như đếm từng nụ ngọt tình đầu…Và rồi vào những năm đầu khó khăn sau khi đất nước chấm dứt chiến tranh, anh đã mất nàng giống như chuyện thường xảy ra với những mối tình đầu khác...Trong lần gặp nhau cuối cùng cách đây vài năm, anh được biết nàng đang mang bệnh hiểm nghèo, sau đó đã ra đi vĩnh viễn không lời từ biệt.

Anh vẫn đơn độc ngồi nơi chiếc ghế đá quen thuộc ấy, mười đầu ngón tay của mình tự chụm lại, nhưng anh không đưa ra hứng những chiếc hoa dầu. Anh nghĩ nếu bất chợt một cánh hoa dầu nào đó ngẫu nhiên rơi vào giữa khoảng trống của hai lòng bàn tay có nghĩa là linh hồn nàng vẫn còn dành cho anh nụ ngọt ngày nào. Bỗng một cánh hoa nhỏ rơi xuống nhưng không lọt vào giữa mà nằm ngập ngừng trên ngón tay anh và rớt xuống. Anh cuối nhặt lên, thì thầm chỉ đủ anh nghe,

Chợp mắt vụt mất hơn ba mươi năm tuổi
Biết tìm ai để níu lại thời gian
Chớm bước vào đoạn cuối đường rong ruổi
Bóng hình em chẳng đuổi nỗi một lần xa

Cho đến bây giờ đối với anh hoa dầu vàng vẫn luôn thân thương và quyến rũ!.

VTĐ (04/5/2018)

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020

Chợ chiếu xưa và tình anh bán chiếu nổi tiếng Việt Nam ngày xưa.



Dòm thấy chợ chiếu này, làm cho ta nhớ tới Soạn giả Viễn Châu. Tài năng của ông được xếp vào hạng thượng thừa trong nền cổ nhạc.

Là soạn giả của 70 tuồng cải lương và trên 2.000 bài vọng cổ. Nhờ vào "những đứa con tinh thần" của ông, mà rất nhiều nghệ sĩ thời ấy đã thành danh...

Chợ chiếu
 Chợ Chiếu


Đó là những Út Bạch Lan, Thanh Hương, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước, Thanh Sang, Phương Quang, Minh Cảnh, Minh Vương...

Ngoài ra, ông cũng là một nhạc sĩ có tên gọi là Bảy Bá, là tay tuyệt kỹ đàn tranh, được xem là độc nhất vô nhị cho đến tận bây giờ chưa có người thay thể nổi.

Nhắc đến bài vọng cổ Tình Anh Bán Chiếu của ông, thì không thể không nhắc đến đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn. Đã trình bày bài ca cổ nói trên, không một ai sánh nổi.

Xin nói lướt qua một chút nội dung bài ca cổ :

Đó là lời tâm sự của một chàng trai quê ở Cà Mau mưu sinh bằng nghề bán chiếu.

Khi ghe chiếu anh cập bến ở dòng kinh Ngã Bảy Phụng Hiệp tỉnh Hậu Giang...Anh được một cô gái đặt làm đôi chiếu và dẫn anh đến tận phòng riêng để đo ni chiếc giường.

Một thời gian sau, anh trở lại để giao đôi chiếu như đã hẹn, thì cô gái đã sang ngang rồi....

Cô có biết đâu anh chàng bán chiếu đã trộm nhớ thầm thương mình ở lần gặp gỡ đầu tiên. Còn anh chàng bán chiếu bông thì cảm thấy tủi cho thân phận của mình.

Vì sao ông có cảm hứng để viết lên bài vọng cổ được ăn khách có một không hai này ?

Soạn giả Viễn Châu nhớ lại, có một lần ông từ Bạc Liêu dìa Sài Gòn, tới khu chợ nổi Phụng Hiệp thì xe hơi chết máy dọc đường phải đậu lại sửa...

Trong lúc đang ngồi nghỉ, ông chợt thấy một chàng trai tay ôm đôi chiếu đứng giữa trời trưa nắng trước một căn nhà cửa đóng then cài, như đang chờ một ai đó...

Xa xa đằng kia thì ông thấy có dòm thấy một đám cưới... Hình ảnh đó tạo cho ông một cảm xúc dâng trào như đã hóa thân mình thành anh chàng bán chiếu...

Thế là một siêu phẩm Tình Anh Bán Chiếu ra đời vang danh bốn cõi, nổi danh như cồn. Người trình bày là danh ca Út Trà Ôn cũng nổi tiếng không kém cạnh...

Sau này cũng có rất nhiều kép hát thể hiện bài ấy, mỗi người một vẻ ai cũng có cái hay riêng. Nhưng người mộ điệu vẫn thích nghe Út Trà Ôn hơn ai cả.

Hiện tại bây giờ, số bài vọng cổ được sáng tác rất nhiều, nhiều vô số kể, nhưng phần lớn làm thất vọng người nghe...

Trong khi đó, người mê cổ nhạc, ai mà không mê Tình Anh Bán Chiếu của Viễn Châu qua giọng ca của Út Trà Ôn...

Họ mê vì bài ca có chất tự sự, mộc mạc chân phương. Nhưng có sự cuốn hút lạ thường...

Bấy nhiêu đó cũng khẳng định được rằng bài Tình Anh Bán Chiếu xứng đáng là "bài vọng cổ vua" của làng cổ nhạc miền Nam Việt Nam thời ấy và tận đến bây giờ...

Chợ chiếu quê em Định Yên, Đồng Tháp.
Hình của may chục năm về trước chứ bây giờ xe tải vào tận nhà lấy, không còn họp chợ nữa.










Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

Bài thơ hoa tím bằng lăng của người con Ba Càng tỉnh Vĩnh Long



Bài thơ hoa tím bằng lăng của người con quê Ba Càng tỉnh Vĩnh Long, tháng Tư Hạ về, nắng đến vàng như rót mật ..nhưng lại mang đến cả màu tím hoa Bằng Lăng .Đi qua những con đường trầm lặng ở phố , bằng lăng tím khiêm nhường bên con đường vốn đã thơ mộng, giờ lại càng trở nên lãng mạn hơn..và cứ thế bằng lăng như thể quyến rũ thêm lòng lai viễn khách .

Bất chợt nhớ đã đọc ở đâu đó những dòng chữ nói về Bằng lăng là mùa của nỗi nhớ, mùa của đợi chờ, và mùa của những kỷ niệm..

Và bất chợt nghĩ ..mọi thứ..có thể đến rồi đi..tình yêu có thể gọi là trẻ mãi ..đời người rồi cũng già theo năm tháng ..nhưng màu tím vẫn mang cho mình hai chữ chung thủy như từ ngàn xưa 🥰

Bằng lăng tím


Hoa Bằng Lăng Tím 
Đồng xanh gió mát, hoa khoe sắc
Như khắc vào bức họa quê hương
Nét lạ thường mãi nhớ mãi thương.
Con đường quen nay sao thấy lạ
Đã quên tìm về trong ký ức?
Chợt tỉnh thức bởi một loài hoa
Dẫu mưa nắng vẫn không phai nhòa
Hoa chung tình_ Hoa Tím Bằng Lăng.



Lehoang Trungduong



Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

Quần đảo trinh nguyên MERGUI ARCHIPELAGO ở Myanmar


Du lịch Myanmar thường người ta nhắc tới chùa chiền, đền đài cổ kính tập trung phần lớn ở Yangon và phía bắc Burma như Bagan, Mandalay, hoặc nơi sơn thủy hữu tình như hồ Inle... Chứ ít ai biết tới vùng biển phía nam nơi tận cùng đất nước này, khu vực tiếp giáp với Thái Lan là quần đảo Mergui nằm trong vịnh Andaman Sea với hơn 800 hòn đảo lớn nhỏ, đa số là không có người ở vì cách xa so với đất liền và điều kiện sinh sống thiếu thốn. Chỉ một số ít người thuộc dân tộc Moken sống du canh du cư trên biển bằng nghề đánh bắt cá và săn bắt, hái lượm trên những hoang đảo.

Kawthaung nơi tận cùng của Myanmar
Kawthaung nơi tận cùng của Myanmar

Do ít phát triển du lịch hơn phía bắc nên đường xá đi lại và phương tiện giao thông ở phía nam cũng khó khăn hơn. Muốn đến được quần đảo Mergui bắt buộc phải đi tàu từ ba địa điểm chính: Một là Kawthaung, tỉnh tận cùng của Miến Điện giáp ranh với tỉnh Ranong của Thái Lan. Hai là tỉnh Myiek cách Kawthaung khoảng 400km nhưng đặc biệt là không có đường bộ mà phải đi tàu hoặc máy bay tới. Ba là tỉnh Dawei cách Kawthaung Myiek 640km. Đường đến đây thật sự khó khăn nên cũng ít ai tìm đến quần đảo này. Đó là lý do mà tôi nhất quyết tìm đến trước khi những hòn đảo nơi đây bị du lịch hoá trong thời gian sớm nhất.

Đảo Móng Ngựa gần Kawthaung nhất nên tôi chọn cách bay từ Bangkok đến Ranong rồi đi tàu vượt sông sang Kawthaung, dù trước đó đã book vé máy bay đi Yangon theo lịch trình để đi Bagan, Mandalay và hồ Inle. Cuối cùng bỏ vé bay Yangon cũng chỉ vì vô tình nhìn thấy một tấm hình chụp hòn đảo đầy quyến rũ trên mạng bằng flycam mà đã cuốn hút tôi đặt chân đến nơi này. Quả thật nó đẹp và bình yên đến lạ!

 Đảo móng Ngựa

Đảo Móng Ngựa - Horse Shoe Island

Trông na ná như Maya Bay về hình dáng cũng như sự biến đổi màu sắc nước biển. Nhưng nếu được lựa chọn, tôi sẽ chọn nơi đây. Đơn giản vì nó vẫn còn hoang sơ, chưa bị du lịch hoá nhiều.

Đảo Móng Ngựa nhìn từ flycam

Đảo Móng Ngựa nhìn từ flycam
Hai ngày một đêm ở trên đảo Móng Ngựa đúng nghĩa như lạc vào một hòn đảo thiên đường nào đó, nơi không hề có sóng điện thoại, không internet, wifi, không có tiếng tiếng ồn ào của xe cộ. Mà chỉ có một thế giới riêng với bãi biển đẹp tuyệt trần, không khí trong lành và tiếng sóng biển rì rào. Nằm đung đưa trên chiếc võng dưới tán dừa xanh mát, lật vài trang sách, gió thổi hiu hiu đến ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Trưa thì đi lặn ngắm san hô, sáng hoặc chiều chèo thuyền kayak ra mấy đảo nhỏ ngắm bình minh và hoàng hôn đầy lãng mạn. Thích nhất là chèo ra mấy ghềnh đá ngồi câu cá, rồi bắt ốc, cầu gai tối đem nướng bên bếp lửa hồng làm mồi nhậu lai rai bên những người bạn.

Một nơi lý tưởng để thư giãn xả stress, tránh xa phố thị ồn ào và lo toan bộn bề cuộc sống. Vậy cũng là đủ cho cái gọi là hạnh phúc. Thiên đường là đây chứ chẳng ở đâu xa. Hãy cùng người mình yêu thương nắm tay nhau đi khắp muôn nơi khi còn có thể!

Ta Fook Island
Ta Fook Island
Nyaung Oo Phee Island, một trong những hòn đảo đẹp nhất của quần đảo Mergui, nơi có một resort 5 sao duy nhất trên đảo cực kỳ sang trọng.
Nyaung Oo Phee Island

Nyaung Oo Phee Island

Đảo Sali

Đảo Sali

Đảo biển đôi - Bruer Island

Đảo biển đôi - Bruer Island
Đảo Đá Cuội - Boulder Island

Đảo Đá Cuội - Boulder Island

Đảo khủng long

Đảo khủng long
Cá mập da beo
Cá mập da beo

Bộ tộc Moken, sống quanh năm ngoài biển khơi bằng nghề đánh bắt cá bằng dụng cụ thô sơ là ngọn lao chót nhọn bên chiếc thuyền độc mộc.

Bộ tộc Moken, sống quanh năm ngoài biển khơi bằng nghề đánh bắt cá bằng dụng cụ thô sơ là ngọn lao chót nhọn bên chiếc thuyền độc mộc.
người Sea Gypsy chuyên sống du cư trên biển bằng nghề săn bắt cá
Bộ tộc Moken chính là người Sea Gypsy chuyên sống du cư trên biển bằng nghề săn bắt cá và hái lượm trên những hoang đảo. Họ lặn rất giỏi, có khả năng nhìn xuyên rõ dưới mặt nước biển và hơi lặn rất sâu dưới đại dương để mò ốc, bắt cá làm thực phẩm sinh nhai hàng ngày.


Bản đồ phía nam Myanmar, bên trái tiếp giáp vùng biển Andaman, bên phải tiếp giáp Thái Lan.

Bản đồ phía nam Myanmar, bên trái tiếp giáp vùng biển Andaman, bên phải tiếp giáp Thái Lan.
Những em bé Moken trên chiếc thuyền độc mộc.

Những em bé Moken trên chiếc thuyền độc mộc.
👣👣👣👣👣👣👣👣👣👣👣👣👣👣👣

Cock’s Comb, hòn đảo được bao bọc xung quanh bởi những ngọn núi đá vôi cao sừng sững. Điều đặc biệt bên trong lòng đảo có một đầm phá bí mật tuyệt đẹp hình dạng như một trái tim màu xanh ngọc lục bảo và đó là lý do nó còn có được gọi là Emerald Heart Island.

Muốn vào được bên trong Lagoon này bắt buộc phải lặn chui qua một hầm đá tự nhiên cao chừng gang tay cách từ mặt nuớc biển. Từng người một nhảy xuống cano, đu dây thừng chui qua vách núi lở để vào bên trong khám phá TRÁI TIM 💚

Nơi đây thích hợp cho lặn sâu (diving) và lặn nông (snorkeling), khám phá những rạn san hô tươi đầy sức sống, có cả rùa biển, cá đuối, cá mập con, lươn biển, cá hề, hải quỳ, cầu gai...một thế giới đầy màu sắc bên trong lòng đảo. Một điểm đến tuyệt vời cho những ai mê lặn.

Cock’s Comb
Cock’s Comb

Le Hien Triet ‎ 🏝🌴🏖