Thứ Ba, 11 tháng 8, 2020

Ô QUY HỒ

Từ trung tâm Sa Pa ngược đường đèo theo quốc lộ 4D khoảng 6km - 10km là địa danh mang tên gọi Ô Quy Hồ.

Mấy năm gần đây thấy rộ trên các trang mạng, kể cả trên Wikipedia cũng giới thiệu về tên gọi Ô Quy Hồ như sau:

"Đèo Ô Quy Hồ được gọi theo tên bản Ô Quy Hồ nằm cạnh quốc lộ 4D, nay thuộc phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa[2]. Tên bản đặt theo tiếng H'Mông, song người từ xa đến ưa gọi "Ô Quy Hồ" có phát âm nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, tên gọi đèo Hoàng Liên, hay đèo Hoàng Liên Sơn hình thành do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ.


Hoàng hôn đèo Ô Quy Hồ
Đèo Ô Quy Hồ - Ảnh minh hoạ: Khánh Sói Sầu



Có ý kiến cho rằng tương truyền ở vùng núi này, ngày trước hiện diện một loài chim có tiếng kêu da diết, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Từ đó, theo thời gian chính tiếng kêu ô quy hồ của loài chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo hoang dại ở độ cao gần 2000 m này."

Tôi không đồng ý với cách lý giải trên về tên gọi Ô Quy Hồ, dù rằng người viết đã cố gắng đưa về truyền thuyết để tô điểm thêm nét đẹp của một địa danh với mục đích chính phục vụ cho du lịch. Vì rằng chẳng có loài chim nào có thế cất tiếng kêu (hót) được tiếng Ô -Quy-Hồ. Người H'mong là dân tộc đầu tiên đến khai khẩn vùng đất này cũng chẳng có dòng họ nào có họ Ô hay Quy hoặc Hồ.Nên cũng chẳng có chàng trai nào có tên gọi Ô Quy Hồ thì lấy đâu ra chàng trai trong truyền thuyết. Tôi cũng chưa bao giờ được nghe người H'mong nào kể về câu chuyện này, mặc dù tôi tiếp xúc với họ thường ngày.

Trước đây cũng đã nhiều người tìm hiểu và giải thích cặn kẽ về tên gọi Ô Quy Hồ, nhưng không hiểu vì sao những tài liệu đã được nghiên cứu công phu và thuyết phục như thế lại không được phổ biến rộng rãi, dẫn đến những cách hiểu sai lạc như vậy.

Xin được giải thích lại tên gọi Ô Quy Hồ là cách người H'mong gọi con suối dưới chân vùng đất mình ở theo tiếng Quan Hoả có nghĩa là "Suối Rùa Đen". Tiếng H'mong gọi là Đề Pho Ki với cùng ý nghĩa. Gọi là Suối Rùa Đen không phải vì dòng suối này có nhiều Rùa Đen mà đây là chuyện kể về hai phiến đá màu đen có hình hài của hai con Rùa lớn.

Trước đây hai con Rùa đá này ở bên sườn núi Ô Quy Hồ, hướng mặt về phía đỉnh FanSipan. Mỗi năm hai con Rùa này trượt xuống và xuôi theo dòng suối Ô Quy Hồ một chút. Sau, đến khu vực bản Sín Chải thì dừng lại không chịu đi nữa mà ở đó mãi đến tận ngày nay. Chuyện này ở bản Sín Chải từ trẻ em đến người già ai cũng biết tường tận.

Ô Quy Hồ còn nhiều câu chuyện về lịch sử di dân, chuyện con đường của người Trung Quốc, chuyện Đồi Máy Cày, chuyện những vườn Lê cổ thụ, chuyện những Cánh Đào Mang Săc Máu. Có rất nhiều câu chuyện chỉ cần bạn chậm lại thủ thỉ tâm tình, bạn sẽ được những người bản địa kể cho nghe nhiều điều thú vị, và chắc chắn sẽ làm bạn ngạc nhiên mà lưu luyến bước chân về.


======= (Bài viết copy từ nhà anh Nguyễn Trung Kiên)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét