Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

Bà Rịa ngày xưa

Thấy nhiều bạn giải thích địa danh Bà Rịa là lấy tên Nguyễn Thị Rịa,một người Phú Yên đã có công to lớn trong việc khai khẩn để đặt tên cho vùng đất này.Bằng chứng ở Bà Rịa còn cái mả của bà này.Viện Viễn đông bác cổ Pháp (E.F.EO) dựng lại mộ Bà Rịa năm 1902 và được chánh quyền địa phương trùng tu năm 1936


Tuy nhiên thực ra bà Nguyễn Thị Rịa có thực không cũng không có thư tịch gì chứng minh,cái mả chỉ là dựng lại,cũng chắc gì có xương cốt ai trong đó

Nam Kỳ Lục Tỉnh mình địa danh "Bà" thì hằng hà sa số

Gần đó,mé Sài Gòn ,chợ Bà Điểm cùng với các chợ Bà Rịa, Bà Chiểu, Bà Quẹo, Bà Hom là địa danh 5 bà nổi tiếng đất Sài Gòn Gia Định và Nam Kỳ xưa

Theo học giả Trương Vĩnh Ký thì Bà Điểm cùng với Bà Rịa, Bà Chiểu, Bà Quẹo, Bà Hom là 5 bà vợ của một viên lãnh binh, người đã xây cầu ông Lãnh

Ông này đã lập ra 5 cái chợ, giao cho mỗi bà cai quản một cái : Bà Rịa (Phước Lễ), Bà Chỉểu (Gia-Định), Bà Hom (Phú Lâm), Bà Quẹo (Quán Tre) và Bà Điểm (Thụân Kiều)

Nói vậy thì ông Lãnh Binh này còn ghét nhiều bà,thương hổng có đồng rồi

Sài Gòn còn vô số bà,thí dụ Bà Tàng,Bà Hạt,Bà Hoa,Bà Băng,Bà Bèo,Bà Lài ,Bà Bướm....

Nhớ đoạn ông cò Hương với bà vợ lớn trong 'Tuyệt tình ca" , bà đã trách chồng chuyện quá khứ rằng:

” Ông à, trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai hai vợ mà ông thương không đồng
Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu mà vợ chồng sao ông vội quên hơi”

Nhà văn Sơn Nam cho rằng, Bà Chiểu là tên vùng đất xuất hiện thời vua Tự Đức. Chiểu có nghĩa là ao nước thiên nhiên. Bà Chiểu là "nữ thần được thờ bên ao thiên nhiên"

Theo học giả Vương Hồng Sển đọc chệch từ chữ Bờ Quẹo hoặc Bàu Quẹo mà ra Bà Quẹo

Bà Hom có thể là Bàu Hom

Thực ra chẳng có ông nào năm vợ hết ,địa danh Bà tất cả đều trại âm từ tiếng Khmer,Chàm ,Mạ hoặc K`hor mà ra

Xin trở lại xứ Mô Xoài xưa

Bà Rịa xưa là xứ Mô Xoài,Mõ Xoài,Mõi Xuy trong sử Việt

Xứ này có sau năm 1623 -vua Chân Lạp Chey Chetta II sau khi lấy bà công nữ Ngọc Vạn đã chấp thuận cho người Việt vào định cư mần ruộng ở Đồng Nai, Bến Nghé, thuận cho chúa Nguyễn đặt trạm thâu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và lập khu dinh điền Mô Xoài (Bà Rịa)

Năm 1880, dưới thời Pháp Nam Kỳ được chia ra làm 20 hạt rồi 20 tỉnh theo vần như sau:

" Gia (Định), Châu (Đốc), Hà (Tiên), Rạch (Giá), Trà (Vinh), Sa (Đéc), Bến (Tre), Long (Xuyên), Tân (An), Sóc (Trăng), Thủ (Dầu Một), Tây (Ninh), Biên (Hoà), Mỹ (Tho), Bà (Rịa), Chợ (Lớn), Vĩnh (Long), Gò (Công), Cần (Thơ), Bạc (Liêu)"

Pháp đặt tỉnh Bà Rịa ,tỉnh lỵ Bà Rịa đặt ở làng Phước Lễ .Khu trung tâm là đình Phước Lễ với cái bồn nước

Bà Rịa là đọc trại từ Bà Lị hay Bà Lợi, Bà Lịa thành Bà Rịa hoặc từ Bà Ray - Bàn Rey thành Bà Rịa là tên một vương quốc cổ nằm giữa Khmer và Chàm

Trịnh Hoài Đức đã viết trong "Gia Định thành thông chí" hồi năm 1820 : “Bà Rịa ở đầu trấn Biên Hòa là đất có danh tiếng”

Một cách giải thích nữa là Bà Rịa vốn tên gọi Khmer của một cái bàu gần Long Điền là Bà Rày hay Bà Rey, đọc trại thành Bà Rịa. Cái Bàu đó sau đã mang một cái tên Việt là Bàu Thành

“Bao giờ Bưng Bạc hết sình
Bàu Thành hết nước thì mình hết thương”

Thành ra có truyền thuyết "mộ Bà Rịa" tức bà già tên Rịa nào đó là không đúng

Có câu:”Cơm Nai - Rịa, cá Rí – Rang”

Thời Nguyễn đất Bà Rịa thuộc tổng Phước An ,dinh tổng đặt tại chợ Hắc Lăng là khu Long Điền ngày nay.

Sau đó dời về chợ Phước Lễ (Chợ Dinh) tức chợ Bà Rịa ngày nay

Bà Rịa có sông Xoài dân gọi là sông Dinh, núi Ông Hựu dân gọi là núi Dinh, chợ Phước Lễ dân gọi chợ Dinh

Làng Phước Lễ còn được gọi là làng Phước Dinh

Trong cuốn”Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca “ viết 1908, Nguyễn Liên Phong ca ngợi Bà Rịa là :

“Nam-Kỳ cũng lắm cảnh sang
Duy Bà-Rịa hạt rỏ ràng như tiên
Trời sanh một chổ thiên nhiên
Non xanh nước bích phải miền Bồng-lai
Nay thêm máy nước riêng ngoài
Dẩn đem nước suối có hoài cả năm”
Địa danh Nam Kỳ mình phần đông từ Khmer mà ra
"Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu
Chín trăng em đợi mười thu em chờ"

Sài Gòn cũng là chữ Khmer mà ra,từ Prei Nokor, Cần Giờ là Kanco, Gò Vấp là Kompăp, Cần Giuộc là Kantuọc và Sài Gòn là Prei Nokor

Người Khmer thời trước gọi vùng đất Mỹ Tho là srock mé sa, mi so,là xứ (srock) có nàng con gái (mé) có nước da trắng (sa, so).

Khi sang Việt ngữ, dân Việt bỏ đi chữ srock,chỉ còn giữ lại mi so gọi là Mỹ Tho

Vĩnh Long ,Vãng Luông,Vũng Luông xuất xứ từ chữ Khmer Kompong Luông,biến dần ra Vũng Luông, rồi Vãng Luông.Tên Vĩnh Long có từ năm 1832 khi vua Minh Mạng đổi ra Hán tự

Bến Nghé là Kompong Krabey

Nói về Bà,tại Tam Kỳ Quảng Nam có tháp Chàm Chiên Đàn, dân bổn địa là “tháp Bà Rầu”.Tên của nó tiếng Chàm là Kalan Yang Pakran,đọc trại Pakran thành Bà Rầu

Gần tháp có cầu Bà Dụ ,xit xuống nữa có tượng tròn như cái nia được dân địa phương gọi là “hòn đá nia”là một dạng Yoni của người Chàm ,kế đó có một tượng nghê đá

Dân có câu:“Tháp Bà Rầu, cầu Bà Dụ, đ.ụ ông Nghê”

Bà Rịa xưa cũng là xứ Hắc Lăng ,xứ có mồ mả và đền thờ của Lâm Thao Quận Công,Bình Tây đại đô đốc, Tả quận công Châu Văn Tiếp

Nguyễn Gia Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét