Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

Thư từ Paris

Hôm nay tôi nhận được mail của một người không quen gởi từ Paris viết cảm nghĩ của ông về cuốn Ăn mà không chơi vừa ra mắt bạn đọc. Xin cám ơn những cảm xúc của ông về cuốn sách. Đăng lên đây mọi người cùng đọc.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế, cũng có thời gian đi học ở Sài Gòn. Tôi rời Việt Nam đến Pháp cuối năm 68, sau biến cố Mậu Thân gây thảm cảnh mấy ngàn người dân Huế bị thảm sát. Sau 1975, cả gia đình tôi đã ra hết ở nước ngoài nên tôi chưa một lần về lại Việt Nam. Giờ đây, khi tuổi đã già, tôi thường nhớ lại những ký ức vui buồn của một thời, nhất là những món ăn ngày xưa. Tình cờ hôm qua, một người bạn gởi cho tôi cuốn Ăn mà không chơi của tác giả Đỗ Duy Ngọc bảo đọc đi để bớt nhớ, ai dè đọc xong lại nhớ nhiều hơn.
Ôi chao! Cuốn sách hay quá. Đọc những bài trong cuốn sách, tôi mường tượng những món ăn của một thời mà đã lâu ở xứ người tôi không được thưởng thức những nguyên bản. Có lẽ tôi và tác giả cùng một thế hệ hoặc chênh lệch nhau một vài tuổi. Răng mà ông tác giả viết như tôi đã từng nghĩ. Đọc cuốn sách trong tôi thức dậy bao ký ức, bao kỷ niệm. Đọc bài Bún bò Huế, tôi nhớ lại những nồi bún của Mạ tôi, tôi nhớ mùa đông mưa dầm của xứ Huế, đội áo mưa đi ăn tô bún của Mụ Rớt. Răng mà ngon nhức răng? Mụ Rớt chắc không còn nhưng những con chữ của bài Bún bò Huế khiến cho miệng tôi vẫn còn vương mùi cay nồng của ớt, mùi béo của giò heo, miếng thịt ngon thật là ngon của lát bò bắp. Răng mà nhớ quá! Từ bún bò Huế kéo tôi đến những món ăn đậm đà của xứ Huế ngày xưa. Nồi bún cá ngừ, tô canh cá mùa nắng nóng, cái bánh khoái ngon ở cửa Thượng tứ. Tất cả lại khiến tôi liên tưởng những tà áo dài của những nữ sinh Đồng Khánh đi học về dưới những hàng cây. Nỗi si mê của thuở mới lớn: Em đi qua cầu có gió trông theo(TCS). Một thời quá đẹp. Bài viết về Làng Chuồn ở Phá Tam Giang lại khiến tôi nuốt nước miếng khi nghĩ đến những con cá, những hải sản tươi roi rói của làng này. Bây chừ không biết có còn ngon như ngày xưa không nữa? Nhờ đọc cuốn sách nhắc tôi nhớ lại hương vị đậm đà của tô mì Quảng, miếng chả ngon của bánh mì Ông Tý, ly cà phê đượm mùi bơ Bretel và ổ bánh mì thịt rim thơm mùi ngũ vị hương của tiệm cà phê Xướng ở Đà Nẵng. Ôi biết bao món ngon.
Cuốn sách Ăn mà không chơi cũng cho tôi nhớ lại những tháng năm ngắn ngủi đi học ở Sài Gòn. Nhớ mối tình đầu với cô sinh viên Luật khoa Đại học đường đã có lần cùng ghé ngã tư Pasteur- Lê Lợi ăn phá lấu của chú Ba Tàu, ăn dĩa bò khô cay rát lưỡi của chú mặc áo thâm người Bắc Kỳ rồi uống ly nước mía Viễn Đông. Mối tình kéo dài không lâu nhưng mỗi khi nhớ đến tôi lại chỉ nhớ những món ăn kỷ niệm này. Bài viết về Phở Minh làm tôi nhớ con hẻm nhỏ xíu ở cạnh rạp xi nê Casino sát bên đó, quán phở lâu đời với nước phở rất lạ, miếng thịt ngon quấn đầu lưỡi. Quán phở có bốn câu thơ rất hợp với quán bán món phở bò. Cuốn sách cũng cuốn tôi đi về Chợ Cũ ghé Hàm Nghi ăn món cơm thố, vào quán Xà bần thưởng thức món ăn lạ miệng. Còn biết bao món ăn, quán ăn trong sách đã cho tôi được trở về miền ký ức tưởng đã phôi pha sau gần sáu mươi năm ở xứ người.
Chiều nay, ở ghế đá trong công viên ở thành phố Paris xa xôi, có một người già ngồi đọc sách mà nước mắt rưng rưng. Xin cám ơn tác giả cuốn sách Ăn mà không chơi. Dù tuổi đã lớn, tôi cũng sẽ cố thu xếp về lại quê hương để ăn lại những món ăn quê nhà, sẽ theo mấy địa chỉ hàng quán đã ghi trong sách mong thưởng thức những món ăn Việt. Đến giờ, khi gần đất xa trời, sau khi đã ăn lắm món của người Tây, tôi mới khám phá ra rằng những món ăn của xứ mình mới là ngon nhất thiên hạ. Tôi có cực đoan quá không?
TRẦN KINH KHA (Paris)