Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

Đảo Bình Ba đẹp hoang sơ nhưng nhiều mặt trái!

Tìm kiếm Bình Ba mình yêu thích thấy các đánh giá của những ai yêu mến BB khi đến đây thì 99% là rác và chặt chém. Zai Tri xin chia sẻ lại bài đánh giá này, mời các bạn cùng xem qua, đặc biệt các cơ quan quản lý du lịch Cam Ranh, Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Bên cạnh những hình ảnh đẹp hoang sơ về đảo Bình Ba và món tôm hùm nổi tiếng mà mọi người đều biết và không phải bàn, tôi muốn bàn về những mặt trái mà đang dần làm giảm giá trị du lịch của hòn đảo này.

 1. Rác: chỉ cần lên google tìm kiếm từ khoá “rác ở Bình Ba” sẽ thấy rất nhiều trang mạng bàn về chủ đề này. Nghe nói là thời gian gần đây chính quyền tỉnh Khánh Hoà đã có nhiều nỗ lực để thu gom rác tại đảo, đặc biệt khu vực bến tàu nhưng theo tôi thì biện pháp này vẫn chỉ để giải quyết bề nổi, vấn đề chính nằm nhiều ở ý thức người dân sống trên đảo và khách du lịch. Hình ảnh bác lái tàu uống xong ly cà phê nhựa quang thẳng xuống biển làm mình giật mình, nhưng lại có vẻ rất bình thường với bác ấy, chắc vì bác ấy nghĩ mọi thứ của thiên nhiên trả về thiên nhiên cho dễ. Nếu bác lái tàu như vậy thì những người khác có vậy không? Dọc đường biển từ cảng Ba Ngòi đến Bình Ba, túi nylon trôi nổi đầy trên mặt nước, ở các bãi tắm ngắm san hô thì phải nói ngoài đặc sản ngắm cá, sản hô còn thêm ngắm túi nylon nữa. Các Cano chạy ở đây cứ thỉnh thoảng phải dừng để kiểm tra xem có bị mắc rác ở chân vịt không rồi mới chạy tiếp.

 2. Sự nhếch nhác về du lịch: các quán ăn dọc bờ biển được cái phục vụ hải sản tươi sống giá cả hợp lý, phục vụ nhiệt tình, nhưng vệ sinh thì khỏi cần bàn. Hệ thống toilet, nước rửa ngoài thiếu vệ sinh thì cứ tự nhiên xả thẳng xuống biển, kiểu có gì đâu tôm cá ăn được hết ấy mà. Bên cạnh đó, dịch vụ du lịch ở Bình Ba chủ yếu là tự phát bởi các công ty du lịch địa phương nên tính chuyên nghiệp chưa cao, chất lượng dịch vụ còn thấp (ở đây mình chỉ muốn đề cập vấn đề chất lượng dịch vụ do thiếu tính cạnh tranh và mức độ chuyên nghiệp chứ không muốn nói đến vấn đề 3, 4 hay 5 sao).

 3. Quy hoạch và quản lý du lịch: các chuyến Cano chở khách đi thăm quan các bãi thì khách bao nhiêu đáp ứng bấy nhiêu chứ dường như không có sự quản lý của cơ quan chủ quản, đặc biệt của đơn vị bảo tồn tài nguyên biển, dẫn đến tình trạng rạn san hô rất đẹp ở Bãi Nhà Cũ bị tàn phá rất nhiều, hầu hết sản hô trong khoảng cách từ bờ ra 10m bị gãy hết, chắc do tình trạng lượng khách du lịch lặn ngắm san hô quá lớn, mặc dù ai cũng được trang bị phao bơi, kính lặn nhưng lặn ngụp một lúc mệt thì cũng phải thò chân xuống và thẳng vào san hô thôi. Bên cạnh đó, việc cho cano và scooter vào sát bờ cũng có thể là nguyên nhân vì lực của động cơ chân vịt có thể dễ dàng phá vỡ rạn san hô.

 

 Đây là lần đầu tiên gia đình mình đi trải nghiệm, chưa biết bao giờ mới quay lại nơi đây. Nhưng gia đình mình rất thích thú khám phá nơi đây, và rất tự hào vì mấy ngày lưu trú tại đây đã không vứt một cọng rác ra môi trường, đi mua đồ cũng xách cặp lồng theo và gần như ko sử dụng túi nylon. Chỉ mong mọi người khi đi du lịch có ý thức hơn, chính quyền nơi đây thực sự có những biện pháp để bảo vệ tài nguyên biển và truyền thông mạnh hơn nữa về vấn đề bảo vệ môi trường, chắc không cần như chính quyền đảo Boracay đã cấm khách du lịch tới hòn đảo này vì quá tải khách du lịch và vấn đề rác thải. Chắc vấn đề trên chỉ có thể giải quyết triệt để bằng việc hạn chế bao bì nhựa trên đảo, đi kèm với các chế tài đủ mạnh để điều chỉnh hành vi mọi người, quản lý tốt hơn vấn đề quy hoạch và quản lý du lịch, và dài hạn hơn bằng việc quảng bá hình ảnh điểm du lịch xanh và thân thiện môi trường như Cù Lao Chàm đã từng làm. Hy vọng lần tới quay lại sẽ có những trải nghiệm thú vị hơn và Bình Ba thực sự trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn và thân thiện môi trường. Tác giả bài viết: Minh Duc Nguyen