Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2021

Mùng 3 Tết nói về tục cúng gà của người Lục Tỉnh

Hôm nay mùng 3 là ngày dân Nam mần gà trống cúng Tết nhà.Dính tới nhà phải có cúng bánh tét .Mùng 3 là ngày nhà nào cũng có ít nhứt một đòn bánh tét

Cúng gà mùng 3 Tết


 
Từ bao giờ dân Nam Kỳ ăn bánh tét?
 
Vì sao trong Nam cũng nấu bánh nếp đậu xanh nhưng lại khác bánh chưng ngoài Bắc?
Chúngg ta biết rằng có nhiều nguyên nhân,nhưng làm cho văn hóa,phong tục,ẩm thực Miền Nam -Đàng Trong khác biệt với Miền Băc-Đàng Ngoài cũng là chủ đích của Đào Duy Từ và các Chúa Nguyễn trong quá trình khẳng định vai trò và vị trí của con người đất Phương Nam
Bánh tét dài,tròn khác với bánh chưng vuông của xứ Bắc
 
Nhiều báo đài nhắc tới nồi bánh tét đêm giao thừa của người Lục Tỉnh .Đó là nói "cho vui" kiểu là tạo ra hình ảnh trong các sự kiện đặng mà diễn thôi,thực tế người Miền Nam có ai nấu bánh tét đêm giao thừa bao giờ
 
Văn hóa Việt Nam chỉ có người Bắc Kỳ nấu bánh chưng đêm giao thừa,người Nam Kỳ không hề nấu bánh tét đêm giao thừa

Bếp lửa cháy đỏ rực,nồi bánh tét nghi ngút khói ở Miền Nam là của đêm mùng 2 Tết,là tại vì mùng 3 Tết người Miền Nam mới cúng bánh tét và ăn bánh tét trong lễ kiếu ông bà và cúng Tết nhà
Tiện xin nhắc một cá nữa,nhỏ thôi,nhưng rất là quan trọng,nhiều bạn Nam hồn nhiên viết rằng "Hôm nay mồng 1 Tết"
 
Mùng 1 hay Mồng 1 ?
Một cái rất rõ,người Bắc thì kêu là "mồng" và Nam Kỳ kêu là mùng
Dân gian Bắc Kỳ có câu:“Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” " thì Nam Kỳ đọc là "Mùng một ăn Tết tại gia,mùng hai Tết vợ, mùng ba Tết thầy"

Trong chương 5 cuốn"Bức thư hối hận"Hồ Biểu Chánh viết là ba mươi Tết, , Tết Nguơn Đán ,rước ông bà và "mùng" rõ ràng
(Trích)
"Mai chánh ngày mùng một Tết mà đi coi nỗi gì. Để hết Tết đã chứ.
.....
Bữa sau Nguyễn Thuận ra khách sạn làm tờ giao kèo, hai đàng ký tên xong rồi, ông khách mời đóng 400 đồng bạc, là tiền mua tài vật với tiền mướn một nãm. Nguyễn Thuận hẹn mùng 8 giao nhà. Ông khách cậy mướn giùm cho ông một người nấu cơm và giúp ông làm rẩy
Sáng mùng 8 ông khách trả tiền mướn phòng ngủ, phát tiền nước cho hai anh rồi, cho riêng anh bồi làm mối mướn nhà đó 20 đồng, rồi kêu xe chở hoa ly lên nhà ở mướn."(Hết trích)
Như vậy hiểu là người Nam Kỳ phải viết mùng 1,mùng 2,mùng 3
Mùng ba ,người Lục Tỉnh mình có tục cúng gà
 
Mùng 3 là chánh thức hết Tết,các gia đình Nam Kỳ sẽ làm một mâm cơm tươm tất để cúng tiễn ông bà ,dân gian gọi là kiếu ông bà,kiếu là tiễn,từ đây không còn cúng cơm ngày hai bận nữa
Cúng gà cũng là cúng Tết nhà,đất đai cho viên mãn
 
Phải có một con gà trống luộc ,con gà này khi cúng phải để nó ngóc cái đầu lên cao,cặp giò có các ngón phải chúm kín đáo lại,còn đầy đủ bộ đồ lòng của con gà trên dĩa cúng
Bày lên bàn giữa cúng một tô cháo lớn,có thêm dĩa rau sống,dĩa bún tươi,dĩa muối gạo ,một dĩa trầu cau,chung rượu trắng,một cây bông mới,giấy tiền vàng bạc.Nên nhớ người Miền Nam không cúng xôi theo con gà như người Bắc nghen
Không thể thiếu là một đòn bánh tét và phải tét ra khoanh mà cúng
Có nhiều gia đình cúng xong thì treo cặp chưn gà lên trên cánh cửa.Rồi có tục cắt giấy hình trái bầu dán lên cửa,bàn,tủ,buồng cầu mong sự sung túc trong năm tới
Sau lễ cúng này thì gia đình sẽ không cúng cơm ông bà nữa,đã kiếu cho ông bà về nghĩ ngơi
Qua mùng 3 bắt đầu đi lễ hội bên ngoài.Đó là mùa cúng đình,đi hành hương đình chùa miếu mạo khắp nơi ,có hai nơi linh thiêng mà dân Nam Kỳ lục tỉnh thường đi là núi Bà Đen ở Tây Ninh và Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc

Người Nam Kỳ gốc Việt cúng gà trống,gốc Hoa cúng gà mái, thể hiện hai quan niệm khác nhau của hai dân tộc

Người Hoa trọng thương mãi ,giỏi bán buôn nên cúng gà mái-gà đẻ trứng vàng với mong muốn mua may bắn đắt trong năm mới
 
Còn người Nam Kỳ thì bộc trực,khẳng khái ,thẳng thừng,tín nghĩa,nhưng không coi buôn bán là sở trường nên cúng gà trống
"Lòng qua như đinh sắt
Nguyện nói chắc một lời
Qua không có dạ đổi dời như ai "






Gà trống có 5 đức tánh
1. Văn : mào con gà trống và hai cái mào ở dưới nhìn như mũ cánh chuồn của ông tiến sĩ biểu tượng cho văn
2. Võ : cựa gà là vũ khí biểu tượng cho võ
3. Dũng : con gà trống trong đàn luôn sẵn sàng đánh nhau để bảo vệ đàn của mình và sẵn sàng chí tử đến chết biểu tượng cho dũng khí
4. Nhân : con gà trống đầu đàn khi được cho ăn thì luôn gọi bầy của mình đến rồi mới thủng thẳng ăn cùng mà không bao giờ ăn một mình biểu tượng cho nhân
5. Tín : con gà trống luôn gáy đúng giờ bất kể bốn mùa biểu tượng cho tín
Nam Kỳ là đất mới ,hình ảnh người khẩn hoang đầu đội trời chưn đạp đất ,đầu tắt mặt tối ,luôn đối diện với thú dữ và hiểm nguy ,hình ảnh con người Nam Kỳ hùng dũng cũng như một con gà trống vậy
Nói tới miền Lục Tỉnh thì muốn nói hoài nói quỷ mà không hết chuyện
Vùng châu thổ đó sanh ra những con người rất kỳ lạ,người Miền Nam ,nơi đó có cách sống,suy nghĩ,phong tục tập quán ,văn hóa xã hội có nhiều nét khác nhiều vùng còn lại
Người Lục Tỉnh xưa tánh tình hịch hạp,bộc trực,nghĩ đơn giản,biết hương người tha nhân,nghĩ về đồng loại,sống mở,sống hướng về cái tươi sáng
 
"Tính cách Miền Nam" hình thành một nếp văn hóa rặc ròng Nam Kỳ,đó là những người Miền Nam gốc,những người đã bày ra và giữ riết cái riêng của Miền Nam mình tới tận cùng
Bữa nay mùng 3,chúng ta sẽ ăn cháo gà.

MAI VƯỜN

Cho rằng đưa cây mai vào chậu là một “thất bại” của con người nên Tết năm nào tôi cũng thả về quê chơi với mai vườn. Đó là những cây mai trước sân nhà, sống trong đất thịt, quanh năm không có bón phân vô cơ hay dùng thuốc kích thích.
Mai vàng đón Tết
Dù bà con không phải là nhà vườn chuyên nghiệp nhưng hầu hết các cây mai vườn đều khỏe mạnh và đầy bông. Sống đúng nơi mình đáng sống, với môi trường tự nhiên và với tấm lòng người nghèo nên mai phải tươi tốt thôi. Tôi đã quen mắt với những cây mai trước sân nhà lá, quen sắc mai vàng trên nền vách lá cũ sẫm màu nên về quê tôi mới thấy hết cái đẹp của mai. Mỗi khi vạt nắng dọi xuống sân nhà thì bóng tối quanh vườn làm rực những cành mai như trong màn diễn thời trang.
Mai vàng rụng đầy sân
Mai vàng trước nhà bên luỹ tre làng
Mai vàng trước hiên nhà
Mai vườn đẹp vì nó không phải là thứ mua qua bán lại, không phải quà tặng, biếu xén, vụ lợi công danh. Người trồng mai vườn là cầu mong cho chính mình, mong mai nở cho chính mình. Mai vườn là mai của tuổi thơ tôi. 

Hơn nửa thế kỷ trước chưa có kỹ thuật ghép, uốn vặn mai nên chỉ chơi mai tự nhiên sống trong vườn. Sáng 29 - 30 Tết là ngóng bà con nghèo trong vườn mang nhánh mai nhà ra bán. Cắt nhánh mai bán bà con có chút đỉnh tiền xài Tết cũng là để cho cây mai đâm cành mới tươi non hơn. Mỗi một cây mai trước sân nhà mà tôi ghi trong mắt hay thâu vào máy ảnh đang góp thành một vườn mai mỗi năm thêm rực rỡ trong lòng. 

Rạng sáng mùng 2 Tết Tân Sửu 2021

Trần Chí Kông

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2021

DÀNH CHO AI ĐI HÀ GIANG ĐỢT TẾT.

Với hàng chục lần lên Hà Giang, mỗi năm 2,3 lần mỗi mùa, lần nào về cũng nhủ sẽ làm review nhưng lười quá.
Lần này review đầy đủ. Chuyến đi 4 đêm, 3 ngày cho mọi người nếu định đi dịp Tết.
Rất cảm ơn anh Hoàng An Let's go đã tạo ra nhóm này để nhiều người biết đến Hà Giang và được hỗ trợ khi lên đây hơn.



 
1. Chuẩn bị:
- Quần áo gọn nhẹ theo mùa, mang theo áo khoác. Nên mặc nhiều lớp mỏng hơn là 1 lớp dày.
- Quần áo mưa mỏng.
- Kem chống nắng, chống muỗi.
- Bọc ủng
- Đồ dùng cá nhân.
- Đặt xe Mỹ Đình Hà Giang
- Book đặt xe máy trước
- Book phòng ks ở Đồng Văn
- Book phòng homestay ở Mèo Vạc.
2. Phương tiện lên Hà Giang:
Đêm 1: Ngủ trên xe.
Chúng tôi bắt xe khách giường nằm Mỹ Đình lên tp Hà Giang. Có nhiều hãng xe đồng giá 200k/vé 1 chiều, xe Hải Vân nằm thoải mái duỗi chân. Trên xe có phát túi nilon đựng giày ở cửa xe, mỗi chỗ nằm có ngăn đựng giày. Xe xuất phát chuyến muộn nhất lúc 20h30. Chúng tôi gọi điện đặt vé trước.
Lần vừa rồi team tôi nhầm giờ nên đến muộn, phải nhờ lái xe đi chậm để chờ 2 người bắt taxi đuổi theo.
Lên xe tôi báo luôn địa điểm xuống ở tp HG để lái xe đi qua chỗ đó thì gọi mình. Khoảng 4h30 sáng sẽ đến nơi.
3. Phương tiện đi lại từ HG:
Ngày 1:
Tôi đặt xe máy trước, lên mới có xe đi. Đặt cmnd và đặt cọc 1 triệu/xe, chi phí tính toán sau khi trả xe.
Xe sẽ đổ xăng đầy trước, kiểm tra kỹ phanh, côn, tay ga, xe có sẵn bản đồ, tờ giấy ghi các địa điểm sửa xe trên đường, dây buộc hành lý sau xe, áo mưa che đồ. Hãy buộc đồ lùi về phía sau yên để dễ dàng mua xăng trên đường. Lưu ý đồ cần dùng thường xuyên như giấy ăn, áo mưa, kem chống nắng, nước uống, xạc di động, tiền... Nên để trong túi đeo ngoài hoặc cốp trước xe để tiện lấy ra, đỡ phải dỡ đồ xuống.




 
4. Hành trình: 300km
Chúng tôi chạy xe từ HG lên Đồng Văn. Nghỉ 1 đêm ở Đồng Văn. Hôm sau về Mèo Vạc. Nghỉ 1 đêm ở Mèo Vạc và trở về HG vào sáng ngày tiếp theo.
Chặng 1: Tp HG - Dốc Bắc Sum. 33km
Vận tốc 25-30km/h
Đi 4h45'. Đến 5h45'
Chúng tôi khởi hành khoảng 4h45 sáng đi lên dốc Bắc Sum để săn mây và ngắm hoàng hôn. Chúng tôi đi lên khoảng 1,2km nữa so với vị trí định vị trên ggmap. Góc đó ngắm mây đẹp hơn. Nếu may mắn thì bạn sẽ thấy biển mây ngập thung lũng từ vị trí này. Dừng lại đến khoảng 6h15 thì đi tiếp.
Chặng 2: Dốc Bắc Sum - Thạch Sơn Thần 10km
Đi 6h15. Đến 6h45
Thạch Sơn Thần là 1 khoảng vườn với 1 tảng đá lớn đề Thạch Sơn Thần. Tuỳ theo mùa mà nơi này trồng các loại hoa khác nhau như tam giác mạch, cải vàng. Dừng lại chỗ này check in chút thôi để đỡ mất thời gian. Phí vào chụp ảnh là 10k/người,để ủng hộ bà con. Vì khu này bà con không được canh tác, chỉ để trồng hoa phục vụ các lễ hội. Ở đây có cây mận vào mùa nở hoa trắng xoá rất đẹp.
Chặng 3: Thạch Sơn Thần - thị trấn Tam Sơn 13km
Đi 7h. Đến 7h45.
Trước khi vào tt Tam Sơn, đoạn đổ dốc xuống nhìn bên tay phải sẽ thấy núi cô Tiên, hay còn gọi là núi đôi Quản Bạ. Những ngày thời tiết tốt sẽ thấy '' ti'' rất rõ, rất tròn và cân đối. Hãy chụp ảnh check in với cặp núi đôi này.
Ở Tam Sơn chúng tôi dừng lại ăn sáng, có xôi, bánh cuốn, bánh mì. Chi phí khoảng 20-40k/người.
Hãy chạy qua chợ Tráng Kìm để mua xôi mang theo lên đồi thông Yên Minh ăn và chụp ảnh sống ảo trên này. Vào ngày cuối tuần họ mới có xôi ngũ sắc, ngày thường chỉ có xôi màu vàng như xôi xéo của mình, nhưng rất mềm và ngon.
Chặng 4: Tam Sơn - Đồi thông Yên Minh 42km
Đi 8h30. Đến 10h45.
Đoạn này rất nhiều cảnh đồi núi, đá đen cao nguyên rất đẹp, nhưng chúng tôi không dừng lại dọc đường, rất mất thời gian và sẽ không kịp chạy về Đồng Văn trước 19h tối.
Đồi thông Yên Minh là điểm check in tiếp theo. Nếu thời tiết tốt, nắng đẹp thì mọi người hãy dừng lại, không thì bỏ qua luôn. Vì để leo lên đồi có 1 lối mòn ngắn, chỉ vài chục mét nhưng hơi dốc, trời mưa thì lầy và trơn kinh khủng. Chúng tôi vứt xe và đồ bên dưới để lên chụp ảnh. Tầm này lên nắng xiên chụp ảnh ảo vô cùng.
Chúng ta mang xôi ra ăn, nghỉ ngơi tầm 1 tiếng rồi đi tiếp.
Chặng 5: Đồi thông Yên Minh - dốc Thấm Mã 10km. Đổ xăng lần 1.
Đi 11h45. Đến 12h45.
Từ rừng thông đi thẳng vào thị trấn Yên Minh. Tôi tìm location là cây xăng Yên Minh. Nó nằm bên tay trái dọc đường đi. Hãy đổ đầy. Nếu đoạn này xe trục trặc thì cũng nên bơm và kiểm tra lại luôn. Có 1 hàng sửa xe cách đó vài chục mét, bác sửa xe và con trai rất nhiệt tình, sửa rẻ. Xe 1 thành viên trong đoàn chúng tôi bị hỏng số, kiểm tra thì do vỡ bi, thay mất 70k. Tiếp tục đi lên dốc Thấm Mã.
Chặng này leo khá dốc nên đi chậm. Tôi luôn để xe số 2 để đi. Cảnh càng lên cao càng đẹp. Chúng tôi check in ở đỉnh dốc, nhìn xuống siêu đẹp. Check in ảnh khoảng 10,15p
Chặng 6: Dốc Thấm Mã - Dốc 9 khoanh 7km.
Đi 13h. Đến 13h30
Chặng này đi qua phố Cáo. Đây là một trong các địa điểm tôi thích nhất. Cũng là chỗ có nhiều ảnh đẹp nhất. Những căn nhà của người Mông với tường rào xếp bởi các phiến đá nhỏ vững chãi, mái nhà thấp và rêu phong. Ngoài sân, ngoài cổng và quanh nhà là đào, là mận. Mùa nào cũng đẹp. Ở đây có nhà của chị Lưu, ở cuối phố Cáo, bên tay trái theo đường đi lên Đồng Văn lúc nào cũng là điểm dừng chân sống ảo của tôi. Trước cửa 3 cây đào, mận hoa dày trắng muốt như phủ tuyết trên cây. Sau nhà là vườn đào, mận, tường rào đá, củi khô, bể nước... Mỗi cm đều tạo ra khung hình tuyệt đẹp. Ảnh tôi chụp ở đây mọi người đều tưởng chụp ở Nhật hay Hàn vì quá đẹp. Chỉ có điều vì khu vườn ngay cạnh chuồng gia súc nên hơi hôi tí tẹo. Nhưng tâm hồn nghệ sĩ kiên quyết không sợ hôi.
Mỗi người vào chụp ảnh hãy ủng hộ nhà chị 10k để có động lực trồng tiếp. Nếu mùa tam giác mạch thì cạnh nhà chị cũng là ruộng tam giác mạch rộng nhất phố Cáo.
Chỗ này lơ ngơ là sẽ mất cả tiếng sống ảo, các bạn cẩn thận không lố giờ. Dừng khoảng 30p là vừa.
Đi tiếp lên dốc 9 khoanh sẽ có 1 điểm nhìn xuống toàn bộ thung lũng phố Cáo. Tuyệt đẹp!!! Hãy dừng chân để hưởng thụ vài phút cho tâm hồn phiêu theo gió ở đây.
Chặng 7 Dốc 9 khoanh - Thung lũng Sủng Là 8km
Đi 14h. Đến 14h30.
Sau khi leo hết dốc thì sẽ đến thả đèo. Với các đoạn không quá dốc thì chạy xe số 3 là ổn. Đoạn này có một địa điểm nên ghé check in là Nhà của Pao. Cạnh đây cũng có homestay khá xinh. Căn nhà này trước dùng để quay film Chuyện của Pao, cũng như bao ngôi nhà truyền thống của người Mông, với mái lợp ngói âm dương, khoảng sân giữa nhà, bậc thềm đá cao, bậc cửa gỗ, hiên tầng 2, cầu thang gỗ... Mỗi góc đều chụp ảnh rất đẹp. Vẫn là hơi hôi một tí ti vì họ nuôi gà, nuôi trâu ngay trong nhà.
Dọc hai bên lối vào nhà Pao trồng dãy đào rất đẹp. Một bên vườn là cải hoặc tam giác mạch tuỳ mùa, một bên là vườn hoa hồng. Vào đợt lễ hội thì khoảng sân rộng trước lối vào là nơi tổ chức trò chơi, cúng lễ.
Trong sân có một bà bác dân tộc để sẵn rượu trong chai lavie, mời khách đến uống. Uống miễn phí ạ. Hôm đấy đoàn tôi đang đói bụng chạy vào chụp nể bà bác nhiệt tình quá nên uống mỗi đứa mấy chén, xong chạy chối chết đi tìm đồ ăn. Thông thường ở cổng lúc nào cũng bán mấy đồ nướng như xúc xích, ngô khoai. Chỉ Tết là họ nghỉ hết, chả bán chác gi. Vé vào thăm quan là 20k/người. Tết thì chả ai bán nên miễn phí. Nhà này vẫn có người ở bên trong nên các bạn đi vào giữ trật tự chút.
Chặng 8 Sủng Là - Dinh Vương 9km
Đi 15h. Đến 15h30.
Chạy ra khỏi nhà Pao chúng tôi lăn đến dinh vua Mèo. Để đọc về dinh Vương thì trong khu dinh thự này có bảng ghi chú hết, chịu khó xem là được.
Đã mất công đến đây thì phải lê la ăn xúc xích, trứng nướng, ngô nướng, bánh tam giác mạch ở cổng dinh. Có 2 loại bánh tam giác mạch là bánh tròn dẹt to nướng, loại này không ngon lắm. Và loại tròn như bánh rán, ăn khá ngon, bột mạch mịn, đỗ thơm ngọt. May mắn là Tết chỗ này vẫn bán hàng. Ngoài ra có thể mua thêm các loại hạt mang về. Chúng tôi có 6 người, ăn bét nhè cũng chỉ hết hơn 100k.



Dinh nhà họ Vương - Vương Chí Sình

Vì đoàn tôi đi chụp ảnh là chính nên đến nơi là chúng tôi vào thẳng các điểm chụp ảnh.
Sẽ mất khoảng 45-60 phút lê la ở đây nếu chụp ảnh giống chúng tôi.
Tầm này mặt trời sắp lặn ở dinh, phía dãy thông bên tay phải nhìn từ cửa dinh ra. Nếu muốn chụp hoàng hôn thì ra sân trái cạnh dinh, sẽ bắt được những khoảnh khắc rất đắt.

Chặng 9 Dinh Vương - Lũng Cú. 30km
Đi 16h30. Đến 17h45
Đường từ Dinh Vương lên cột cờ Lũng Cú hơi xóc do đang mở rộng đường. Nếu đi vào ngày nắng thì bụi, mưa thì lầy lắm. Và không đi nhanh được nên sẽ mất khoảng 1 tiếng mới lên đến nơi. Chúng tôi đi Lũng Cú luôn theo cung này để hôm sau chạy Mã Pí Lèng không phải quay lại nữa. Đoạn này nên tập trung đi để lên kịp trước khi trời tối. Nếu mùa đông như chúng tôi đi đợt vừa rồi là đã gần tối rồi.
Để tiết kiệm thời gian leo bậc thang lên cột cờ thì chúng tôi vòng theo đường ra phía sau, đường này xe máy leo được lên 1 nửa, gửi xe rồi đi bộ lên 1 đoạn nữa.
Chuyến lần trước tôi không leo lên cột cờ mà đi thẳng ra phía sau, về phía nhà của dân và chụp ảnh cánh đồng với sinh hoạt hàng ngày của họ. Bà bác rất thân thiện mở cửa cho tôi vào chụp ảnh.
Chặng 10 Lũng Cú - Đồng Văn 26km
Đi 18h15. Đến 19h30.
Chặng về này đường tối nên chúng tôi đi chậm hơn chút. Về thẳng khách sạn Hoa Cương ở gần chợ. Tôi đặt ks này 2 lần vì phòng to, đẹp, điều hoà 2 chiều, nhưng lần tới sẽ cân nhắc lại vì nước ở đây hơi vàng.
Sau khi tắm rửa thay đồ, chúng tôi ra phố cổ ăn tối. Có các món nướng, trứng vịt lộn, lẩu gà, xúc xích (lại xúc xích). Trên này có 2 món phổ biến là gà và xúc xích, chắc tại làm nhanh.
Tối lạnh chúng tôi mỗi đứa làm một bát thắng dền cho ấm bụng. Mùi thơm nóng và vị cay nồng của gừng sẽ ngay lập tức át đi cái lạnh buổi đêm cao nguyên của nơi này. Những bắp ngô mới bẻ nướng trên than hồng vừa dẻo vừa thơm là thứ không thể bỏ qua.
Quán cafe phố cổ với khoảng ban công là điểm ưa thích của khách. Nhưng chúng tôi lại thích ngồi bên trong, trên những tấm thảm sàn, nhâm nhi tách trà gừng ấm áp, cắn hạt hướng dương và buôn chuyện với nhau. Thời gian như dừng lại sau cánh cửa.
Đêm 2: Ngủ tại Đồng Văn.

Dốc M Hà Giang



Chặng 11 Đồng Văn - Mã Pì Lèng. 11km
Đi 10h30. Đến 11h.
Ngày 2.
Sáng chúng tôi đi dạo quanh thị trấn Đồng Văn, uống cf chụp ảnh. Mọi người review về món bánh cuốn nhưng cá nhân tôi thì không khoái lắm, vì nó ăn với nước dùng phở, hơi nhạt. Tôi thích bánh cuốn nước mắm cà cuống đậm vị thơm ngon hơn. Nhưng ai chưa thử thì nên thử.
Còn món xôi ngũ sắc thì nên thử vì khá ngon. Hãy mua mang theo nếu định la cà trên đường nhiều như tôi. 2 món này chỉ bán sáng và nhanh hết.
Vì còn đi chụp ảnh quanh thị trấn nên chúng tôi xuất phát muộn. Hơn nữa Mèo Vạc rất gần nên không vội. Nếu các bạn không nghỉ đêm tiếp ở Mèo Vạc thì nên di chuyển sớm từ 8h30.
Đổ xăng lần 2 tại cây xăng Đồng Văn.
Có người gọi Mã Pí Lèng, Mả Pí Lèng, tức mà sống mũi con ngựa... Nhưng theo cụ Vương người Mông giải thích thì tên đúng của nó là Máo Pì Lèng cơ. Nghĩa là sống mũi con mèo. Thôi thì quen gọi là gì cứ gọi vậy.
Đoạn đường từ Đồng Văn đến nhà dừng chân Mã Pì Lèng có những đoạn đường đẹp không tả nổi. Các dãy núi nhọn trập trùng, dòng Nho Quế xanh ngọc bích đến nỗi không thể xanh hơn chảy dài uốn lượn theo chân núi trong khi mây trắng quẩn quanh sừơn núi. Các con đường bao quanh bởi màu xanh của thông, màu vàng đỏ của lá cây, màu trắng hồng của hoa đào tạo thành bức tranh thiên nhiên gây ấn tượng mạnh với thị giác và cảm xúc.
Hãy dừng chân check in bên sườn núi.
Nhà dừng chân Mã Pì Lèng đã được xây dựng và xây tường bao quanh mỏm núi sống ảo của dân phượt. Tôi đứng chụp ảnh cho đồng bọn mà chóng cả mặt vì vốn sợ độ cao.
Hồi chưa ngăn đập thuỷ điện lòng sông bé tí, nhìn từ trên xuống hun hút, cát ra giữa lòng sông. Giờ thì lòng sông to, rộng, xanh ngắt và tĩnh lặng như mặt gương.
Phía bên ngoài nhà là nơi bán đồ nướng. Tôi say mê món trứng vịt lộn của chị gái ngồi sát vách nhà. Bởi nước chấm với gừng muối ngon tê lưỡi, đánh gục cả cái đứa ghét gừng như xúc đất đổ đi là tôi.
Chặng 12 Mã Pì Lèng - Mèo Vạc 11km
Đi 10h30. Đến 11h
Các chuyến đi trước tôi nghỉ ở Quản Bạ, lần này tôi quyết định đặt homestay Chúng Pủa ở Mèo Vạc cho biết. Theo lịch trình thì sẽ rất nhanh đến Mèo Vạc, nhưng vì chúng tôi la cà chụp ảnh, chỗ nào cũng sà vào nên chiều tà mới về đến Mèo Vạc. 4 tiếng cho 19km.
Homestay Chúng Pủa nằm trên một con dốc, nhìn xuống ruộng và đường ra chợ của bà con.
Khi chúng tôi đến trời đã về chiều. Chúng tôi nhận phòng rồi đi ăn. Đây là homestay có thể coi như đẹp nhất Mèo Vạc. Chúng tôi đặt 2 phòng, mỗi phòng 1.3tr/đêm. Nhưng đêm quá ầm, vì trần gỗ, bên trên chỉ cần cử động nhẹ là ở dưới nghe rần rần rồi. Kể cả cho headphone vào vẫn không ăn thua vì tầng 2 là dorm. Nên bạn nào khó ngủ thì nên thuê dorm tầng 2. Nhà vệ sinh và dãy nhà tắm cách biệt, nước sạch sẽ, bình nóng lạnh là bình gas nên nếu tắm liên tục thì nhanh hết nước, chờ 1 phút sẽ có lại.
Sân có một bộ bàn ghế, 1 chiếc ô đỏ dưới tán hoa đào, có lò nướng BBQ.
Quầy lễ tân có 2 bộ bàn ghế gỗ thấp có nệm chăn trần bông kiểu ông bà anh, gọi thêm ấm trà hay cafe ngồi ngâm nga với nhau là nhất.
Bên hiên nhà là 2 chiếc ghê gỗ thấp có lưng tựa dài, nệm cũng trần bông vải đỏ. Là chỗ check in không thể bỏ qua.
Trong nhà có 2 bộ bàn ghế, giá sách với lò sưởi. Chúng tôi nhờ em lễ tân nhóm lò cho để ngồi quây quần với nhau. Cảm giác ấm cúng và thư giãn vô cùng.
Buổi tối chúng tôi ra đường cạnh chợ Mèo Vạc, vào quán cơm bình dân, gọi 1 nồi lẩu gà, bò 600k, 6 đứa ăn thun thút không ngẩng mặt lên lấy một lần. Vì mấy hôm toàn phải ăn xúc xích cầm hơi . Ở đây có rau cải làn và đặc biệt là rau Hà Lan, ăn lẩu rất ngon.
Đêm 3: Ngủ tại Mèo Vạc.
Ngày 3.
Buổi sáng ở đây có buffet đồ tây gồm bánh mì, pancake... Hôm chúng tôi ở thì do Tết dân không bán đồ nên chẳng có nguyên liệu làm đồ ăn. Mỗi đứa làm tô mì tôm bò chanh cũng ấm bụng.
Buổi sáng chúng tôi loanh quanh ăn sáng, cafe và chụp ảnh ở homestay đến trưa. Trong thị trấn, đi thẳng đường Mèo Vạc qua chợ, thẳng lên dốc có 1 căn nhà rất đẹp, bao quanh bởi hoa mận trắng muốt nhìn như cổ tích. Đừng quên lên xin chụp ảnh nhờ.
Đổ xăng lần 3 ở Mèo Vạc.
Sau đó đi thẳng đường từ cây xăng để về lại Yên Minh.
Ăn trưa ở cơm bình dân 31 Mèo Vạc, dân phượt hầu hết đều qua đây ăn. Ở đây có món cơm rang dưa bò trứng, ăn với canh dưa và cà muối rất đưa cơm. Đồng giá 40k/suất.
Chặng 13 Mèo Vạc - Lũng Phìn - Mậu Duệ - Yên Minh. 50km
Đi 13h30. Đến 16h30.
Đoạn này đường dễ đi, xung quanh là cao nguyên đá, rất hùng vĩ. Chỉ nên dừng chụp ảnh check in 5,10 phút mỗi chặng để kịp về giờ xe chạy lúc 8h30.
Đi qua dốc chữ M huyền thoại nhớ chụp ảnh check in. Lưu ý điểm đẹp và rõ nhất là trên đỉnh dốc ngay khi vừa thấy chữ M vì càng đi xuống thì góc thấp, càng khó chụp. Dừng nghỉ một chút ở Yên Minh. Chỗ này nếu ai muốn mua rau thì mua ở chợ bên tay phải, từ cây xăng Yên Minh đi về phía Hà Giang khoảng 1km. Chợ dân bán rau rất tươi ngon và sạch. Cải làn, cải ngồng, rau Hà Lan 10k 3 bó to oành. Măng củ tươi 7k/kg. Hãy bảo người ta chặt gốc măng ra, nếu trắng là con tươi mới chặt, nêu hơi thâm thâm là măng đã cũ. Rau cải nên cho vào thùng giấy cho đỡ hấp hơi, nhanh úa. Rau Hà Lan rất ngon hơn rau bò khai nhưng nhược điểm là nhanh hỏng, nên ăn ngay, để thêm 1,2 ngày là úa, không ngon.
Chặng 14 Yên Minh - Tam Sơn 57km.
Đi 16h30. Đến 18h30
Từ thị trấn Yên Minh, chạy tiếp tầm 3km sẽ thấy 1 ngã 3 bên tay trái, hoặc hỏi dân lối vào Con đường Hạnh Phúc cũ, tiết kiệm được gần 20km so với đường qua rừng thông Yên Minh như lúc đi.
Chỉ có điều đoạn này cao, nhiều mây nên mù. Đi sớm thì không sao, đi đêm thì không nên. Nếu trời sáng, trong thì đây là điểm săn mây cực tuyệt vời.
Đường này khó đi và hay mù nhất nên tốc độ sẽ rất chậm. Nếu thời tiết suôn sẻ thì chỉ mất 1.5 tiếng. Còn không phải 2 tiếng mới hết chặng. Chỗ này tôi luôn để số 2,3 luân phiên chạy. Có những đoạn không có rào chắn, bên là vách núi, bên là vực rất kích thích. Dừng đổ xăng lần cuối ở Tam Sơn.
Chặng 4 Tam Sơn - Chỗ thuê xe. 47km
Đi 18h30. Đến 20h.
Đây là chặng dễ đi mà khó đi nhất vì cực kỳ hay bị sương mù do mây xuống. Chuyến vừa rồi tôi chạy xe dẫn đoàn, trời tối, xung quang sương mù bao phủ không thấy gì phía trước dù chỉ cách 2m. Chỉ có thể đi theo cảm giác và vạch kẻ đường. Gặp một đoàn các bạn tây chạy xe ga vừa đi vừa dò đường nhưng hò hét rất to, có vẻ phấn khích lắm.
Chúng tôi vừa chạy vừa lo đến giờ xe khách chạy nên trong bụng đánh lô tô liên tục.
Đoạn này chỉ cắm đầu chạy thôi. Lại còn phải dừng xe để mua áo mưa thay, thay cả quần vì ướt hết quần, quá lạnh.
20h10 về đến nhà xe, cởi vội đồ, thanh toán vội tiền xe, nhờ chị chủ gọi cho cái taxi để phi ra bến xe. Hết thêm 60k taxi nữa. Vé xe chiều về cũng 190k.
Tổng thiệt hại khoảng 2 triệu/người. Nếu ở các chỗ rẻ hơn hoặc dorm thì chỉ tốn khoảng 1.5tr/người.
Thu hoạch chuyến đi là album ảnh đẹp, năng lượng được refresh. Mỗi bức ảnh sẽ là một chặng mà tôi đã viết.
 
Trần Trang
Bạn nào cần có thể inbox mình share file excel chi tiết plan từng chặng nhé.