Trưa hôm qua có bạn hỏi,cái món "hủ tiếu" và "hủ tíu",cái nào trúng và chính danh nhứt vậy ?
Xin thưa với em!Lẽ dĩ nhiên,đương nhiên là chữ "hủ tíu" rồi .Ban đầu,từ xưa ông bà Nam Kỳ mình đã kêu là hủ tíu
Cái chữ hủ tiếu là kiểu "dị dạng"sau 1954 thôi.Kiểu như Thạnh Đa thành Thanh Đa,Hàng Sanh thành Hàng Xanh ,Rạch Chiết thành Rạch Chiếc,Cây Da Xà thành Cây Da Sà sau 1975 vậy
Nguồn gốc hủ tíu là từ người Tàu Nam Kỳ,có 2 nguồn gốc xin ghi ra
- Mặc Nhân TVC trong bài về Mỹ Tho xưa có nói về nguồn gốc hủ tíu Mỹ Tho
Trong mục " Hủ tíu thời xa xưa" ông có ghi rằng:
"Từ hủ tíu không biết xuất xứ từ đâu vì người Hoa họ không gọi hủ tíu mà họ gọi là phảanh,còn hủ tíu chỉ là chất bột để làm phảanh
Do đó ăn hủ tíu họ gọi là xực phảanh. Vào tiệm hủ tíu gọi một tô hủ tíu có thêm xương, gọi là dách cô phảanh thím xực xí quách
Ngày xưa người Pháp gọi hủ tíu là soupe chinoise (súp Tàu). Đến bây giờ người ngoại quốc đến Mỹ Tho ăn hủ tíu cũng gọi là soupe chinoise hay chinese soup
Đến ngày nay hủ tíu đã thành một từ Việt Nam
Ngược dòng lịch sử, ta trở về Mỹ Tho một thế kỷ trước để thưởng thức hủ tíu Mỹ Tho do người Hoa chánh hiệu đứng nấu
Chú Sồi, hủ tíu chú Sồi, với một chiếc xe ba bánh, có thành vách ba bên, lộng kiếng vẽ đủ thứ cảnh hình trong truyện Tam Quốc như Quan Công phò nhị tẩu, Giang tả cầu hôn, Đương Dương trường bản, Khổng Minh tọa lầu…giong ruổi khắp các nẻo đường thành phố để mưu sinh, mà cũng để cho người dân Mỹ Tho có được một tô hủ tíu đậm đà
Ở giữa xe là một thùng nước lèo bốc hơi nghi ngút, những thúng, rổ nhỏ đựng hủ tiu, mì, bột nặn hoành thánh, dầu chá quảy…(để ăn kèm với mì, hủ tíu), tô chén úp bên cạnh đũa, muỗng lộn xộn với hủ nước tương, xì dầu, hột cải…"(hết trích)
Tác giả lớn tuổi nhớ về Mỹ Tho xưa đã khẳng định "hủ tíu" là món ăn của Mỹ Tho
Ông này lý giải kiểu Quảng Đông.Vì người Quảng gọi bánh sợi gạo trắng là “hồ phảanh” (河粉), âm Hán Việt là “hà phấn”.Khi xào thì họ cắt gọi là “tài phảanh” (大粉), âm Hán Việt là “đại phấn”, nghĩa là sợi gạo trắng to hay chảo phảanh, tức là hủ tíu xào
Còn với món có nước thì xắt sợi mảnh gọi là hồ phảanh.Thành ra khi ăn hủ tíu họ gọi là xực phảanh là chính xác
-Học giả Vương Hồng Sển viết:
"Khi tôi từ Sốc Trăng năm 1947, chạy lên trên nầy, tôi không được mục kích cảnh sống trên đất Sài gòn nầy, những năm tao loạn 1945-1946 (...)
(...)
Lại nhắc đến tô hủ tíu của chú Ba Tàu.Hỏi chú chệc Tiều (Triều Châu), chú sửa cục thuốc xỉa qua bên môi, và cắt nghĩa:"Củi viết ra Hán tự là “Quế”, “tíu” muốn dịch là “tiểu” hoặc “thiểu” (nhỏ) đều nghe không thông,nhưng không dám đảm bảo là chắc, và “củi tíu” là bánh bột cọng nhỏ, nấu theo điệu Tiều, gia vị tôm tươi, chả cá, gan heo, bao tử luộc ram lại gọi là “phá lấu”, chút ít thịt gà, thì gọi “củi tíu cá gà”, hoặc vài miếng thịt heo thì gọi “củi tíu thịt” nhưng đó là “củi tíu” Tiều, sau đó ta chế lại, và gọi “củi tíu Nam Vang” hoặc “củi tíu Mỹ Tho” (Trích Sài Gòn Tạp Pín Lù)
Ông Vương Hồng Sển kể nguồn gốc hủ tíu.Đó là món Tiều tên là "củi tíu" nghĩa là bánh bột cọng nhỏ.Có củi tíu gà,củi tíu heo.Sau chuyển âm Việt thành "hủ tíu"
Một số người nói là "cổ chéo"
Một số lý giải là do người Quảng Đông đọc “wuở tíu”粿條 âm Hán Việt là “quả điều”,người Tiều phát âm là “quể tíu”
Chưa có học giả Việt nào có cuốn tự điển tiếng Quảng Đông và Tiều -Việt nên nói tùm lum chẳng biết rốt cuộc nó chính xác chổ nào
Nhưng khẳng định cái tên "Hủ tíu" là âm Việt rồi,bỏ lý lẽ là của Tàu đi nha
Trước 1954 Miền Nam viết là "hủ tíu".Sau đó sách giáo khoa,sách báo phần đông do người Bắc 54 họ viết thành ra chuyển thành "hủ tiếu"
Các nhà văn hóa Miền Nam hầu như không viết về ẩm thực dù món ăn Lục Tỉnh tràn trề,nhiều vô số kể.Có lẽ vì quá thừa mừa và cũng do quan niệm "ăn có gì kể" mà các học giả Miền Nam vô tình để các học giả xứ Bắc lộng hành trong viết về ẩm thực và văn hóa Miền Nam
Một mình ông Vương Hồng Sển không làm lợi với một số đông kia
Người Bắc không nói âm "i" gọn được nên chuyển qua âm ê gần hết.Thí dụ Nam đọc "linh đinh",Bắc đọc "lênh đênh".Nam đọc "bịnh" ,Bắc đọc thành "bệnh",Nam đọc "gành" ,Bắc chuyển qua "ghềnh".Nam có "Cầu Kinh",Bắc tự đổi thành "Cầu Kênh"
Các nhà viết sách Bắc họ nghĩ rằng Nam Kỳ viết hủ tíu là sai chánh tả nên họ tự ý đổi qua hủ tiếu là trúng chánh tả
Thực ra "hủ tiếu" mới sai chánh tả.Tiếu là cái gì? Viết tiếu nó qua nghĩa Hán Việt rồi
Do sách giáo khoa tự quy định "hủ tiếu",thành ra học trò nghĩ hủ tiếu là đúng chánh tả nên chữ hủ tiếu đã đè bẹp,giết chết chữ hủ tíu
Tiệm hủ tíu nào giữ nguyên bổn sẽ đề chữ hủ tíu
Hủ tíu cũng như bạc sỉu,cái âm "i" là thường trực ban sơ
Bạc sỉu là món sữa đặc có đường,kem sữa đặc pha nước nóng,vì sữa đặc có quá nhiều mùi đường nên người Hoa bỏ một chút xíu cafe vô cho hãm mùi đường lại
Bạc sỉu là gọi tắt của "Bạc tẩy sỉu phé" trong tiếng Quảng Đông, bạc là trắng,tẩy là ly,sỉu là một chút,phé là cafe
Bạc sỉu nghĩa là ly sữa trắng kèm một chút xíu cà phê
Bạc sỉu không phải là cafe sữa,bạc sỉu và cafe sữa là hai loại khác nhau.Cafe sữa là phé nại
Vì bạc sỉu không rình rang như hủ tíu nên những người viết sách có máu Bắc quên ,nếu nhớ dám viết "bạc siểu" lắm á
Chữ Miền Nam âm "iu" khá thông dụng trong gốc Tàu
Xá xíu là món ăn có nguồn gốc từ Quảng Đông.Xá xíu trong tiếng Quảng được viết là 叉燒 (cha xiu)
Xíu mại cũng có âm "i"
Trong cải lương có một điệu hơi Quảng tên là “Xang xừ líu”.Nhớ "Bên cầu dệt lụa" có một đoạn Quỳnh Nga nói chuyện với Bích Vân hát “Xang xừ líu” nghe vui vui
Trần Văn Trạch hát "Hòn vọng phu"mà ta còn nghe được ông đệm thêm "Xang xê xang xê hò sự xang xê líu xề xang líu hò xang ú hò" rất dân tộc
Nhạc ngũ cung có "Hò, Xự, Xang, Xê, Cống " và âm thứ 6 là Líu
Hủ tíu Nam Kỳ là món vô địch thế giới
Hủ tíu là món gốc Tàu thôi chứ bên Tàu nó không thông dụng là mấy.Coi phim Tàu có thấy ai bán hủ tíu đâu.Tàu chỉ có mì là phổ biến
Món hủ tíu là món sanh ra và phù hợp phong thổ ở Nam Kỳ từ người gốc Hoa,từ bột gạo.Thành ra chúng ta cứ tự hào hủ tíu là món của Nam Kỳ là vậy
Chúng ta phân biệt được hủ tíu Mỹ Tho,hủ tíu Sa Đéc với hủ tíu người Hoa là ở cọng bánh
Sợi bánh hủ tíu Mỹ Tho là sợi dai,sợi hủ tíu người gốc Hoa là sợi mềm như phở.Sợi hủ tíu người Hoa mềm và kích cỡ của nó khá giống sợi phở
Hủ tíu dai là của người Việt sáng chế ra
Hủ tíu Nam Kỳ đã là hủ tíu Việt khi có nước mắm,rau sống xanh tươi,hai món này hủ tíu Tàu chánh gốc không đụng tới,Tàu ăn dấm, xì dầu
Có thể chia hủ tíu ra 2 trường phái nước và khô,hủ tíu dai và hủ tíu mềm
Liệt kê :Hủ tíu Nam Vang, hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Sa Đéc, hủ tíu Lái Thiêu, hủ tíu mì, hủ tíu nui, hủ tíu hoành thánh, hủ tíu xá xíu, hủ tíu thịt băm, hủ tíu sườn heo, hủ tíu lòng heo, hủ tíu cá, hủ tíu cua, hủ tíu tôm, hủ tíu gà ta, hủ tíu gà ác, hủ tíu bò kho, hủ tíu bò viên, hủ tíu bò tái, hủ tíu bò sa tế, hủ tíu nai sa tế, hủ tíu vịt quay, hủ tíu nấm, hủ tíu măng, hủ tíu chay ,hủ tíu gõ , hủ tíu chiên,hủ tíu hồ.....
Đặc biệt ăn hủ tíu là phải có đôi đũa.Đũa không thể thiếu trong món nước như hủ tíu,mì
Đâu ai kỳ cục như dân Ý,xưa chôm mì của Tàu nhưng lại ..ăn nĩa
Hồi xưa khi Tây mới qua họ nhìn người Á như là làm xiếc với đôi đũa ,Tây cũng bắt chước làm nhưng không được
Đũa một cặp thể hiệm âm dương,đực cái trong văn hóa
"Đũa vàng dộng xuống mâm sơn
Thấy ai có ngãi, anh thương mặn nồng"
Đôi đũa xuất phát từ dân tộc nào?
Nhiều người nói là từ người Tàu.Tuy nhiên nhìn và soi kỹ văn minh Tàu,ta thấy người Huê Hạ xưa là du mục,ẩm thực thiên về lúa mì tức là xay ra bột làm bánh rồi bốc tay mà ăn
Cuốn” L'histoire culturelle de la Chine” nói người Tàu thời tiên Tần (trước Tần Thỉ Hoàng) vẫn còn ăn bốc. Riêng dân Tàu Huê Bắc ăn bốc là một thói quen truyền thống
Chỉ có các dân tộc Bách Việt phía Nam làm lúa nước,nấu cơm ăn thì phải xài đũa và vô miệng,cây tre ở xứ Nam đã cho ra đôi đũa tre huyền thoại.Tàu bắt chước mà ra
Người Nam Kỳ chánh gốc tự hào hủ tíu,kêu hủ tíu thì mắc cái giống gì nói liên quan chánh trị? Nói chữ "hủ tíu" thì quy chụp cực đoan à?
Con người minh triết là phải biết điều ngay thẳng,biết gốc tích nguồn cội đàng hoàng thì nó mới ra cái kêu là "văn hóa ẩm thực"
Trong cuộc sống nầy có những quy luật bất thành văn, giới hạn của đạo đức, giới hạn của lý trí. Vượt qua chuẩn mực đạo đức là tự đánh mất mình
Chính thái độ dễ dãi,hề hà và sống luông tuồng đã bị người khác tự ý dẫn dắt văn hóa Miền Nam của mình theo ý của họ
"Hủ tíu" sao giống như "Hủ tiếu" được cho dù dân Lục Tỉnh đọc ra âm hủ tiếu như hủ tíu thôi,cũng là món của Miền Nam thôi
"Hủ tíu" khác "Hủ tiếu" cũng như bà Phạm Thị Chim khác bà Phạm Thị Chiêm vậy.Có khác gì tên "chim" mà vô đụng thằng hộ tịch hỏi đi hỏi lại rằng "Tên Chim có ê không?"
Ngày nay chữ hủ tiếu gần như bức tử chữ hủ tíu,lên google đánh chữ "hủ tíu" thì nó tự chuyển qua chữ "hủ tiếu".Nhưng đâu phải đó là cách đúng của lịch sử
Các bạn Miền Nam thân mến!
Bác bỏ lý lẽ chữ "hủ tíu" là do dân Miền Nam thích âm "i" nói gọn từ chữ "hủ tiếu".Hủ tíu có trước hủ tiếu,cũng như "bịnh" có trước "bệnh"
Hãy viết cho đúng chữ nha các bạn.Người Miền Nam chánh thống hãy viết cho đúng,hủ tíu.
Nguyễn Gia Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét