Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA THỨC TỈNH TÂM LINH VÀ KHẢ NĂNG TÂM LINH


      Ngày càng có nhiều người quan tâm đến chủ đề tâm linh và khái niệm thức tỉnh tâm linh - những vấn đề xoay quanh như khai mở luân xa, hồi quy tiền kiếp, luân hồi, nhân quả… Đây là điều tất yếu xảy ra trong kỷ nguyên thảm họa môi trường và bùng nổ dân số hiện nay, đẩy con người phải đối mặt với những tai ương chưa từng có trong lịch sử. Những biến cố thời đại khiến con người đối mặt với những câu hỏi tinh thần sớm hơn (chứ không đợi đến khi về già gần đất xa trời mới nghĩ đến tâm linh). Hôm nay là ngày cuối năm, một năm đầy biến cố đau thương vì đại dịch, tôi xin chia sẻ đôi dòng về những người thức tỉnh tâm linh trong sự hiểu biết còn hạn chế của mình.



       Nếu bạn nghĩ thức tỉnh tâm linh là những người sớm muộn cũng hành nghề tâm linh thì không đúng, họ chỉ là một phần nhỏ, tùy theo năng lực và sự thôi thúc bên trong nên có những người đã chuyển hướng cuộc đời mình về phía làm những công việc liên quan đến tâm linh. Trên thế giới hiện nay, những người thức tỉnh tâm linh làm việc ở mọi ngành nghề thuộc mọi tín ngưỡng - họ là các thầy tu, các giảng sư yoga / thiền, nhà thôi miên trị liệu, người xem Tarot/chiêm tinh, kiến trúc sư, nhà khoa học vũ trụ, nghệ sỹ… Họ có điểm chung là đều bị thôi thúc tìm kiếm những giá trị tinh thần, nghiên cứu tôn giáo, văn minh văn hóa nhân loại, những quy luật vũ trụ… và sống tỉnh thức (không đánh mất hiện tại). 


      Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt rõ hai kiểu người: Người Thức tỉnh Tâm linh và Người có Khả năng tâm linh (sở hữu một năng lực thấu thị nào đó). Người có khả năng tâm linh chưa chắc đã là người thức tỉnh tâm linh vì họ chọn dùng khả năng đó để mưu cầu lợi ích, hại người, lừa lọc và mê tâm ngạo mạn – nghĩ rằng mình siêu việt hơn kẻ khác. Những hành động của họ đều sẽ chịu những phản chấn của luật nhân quả rất nhanh và năng lực tâm linh của họ cũng sớm lụi tàn vì thiếu ánh sáng thiện lương và sự thông tuệ dẫn đường. Tôi tin rằng hai chữ thức tỉnh chỉ dành cho những ai mang trong mình năng lượng tích cực, chữa lành, lòng can đảm hiệp nghĩa và có sự thôi thúc lan tỏa trí tuệ và lòng nhân ái. 


       >>> Do đó, vẫn có những người thức tỉnh tâm linh mà KHÔNG CÓ MỘT KHẢ NĂNG THẤU THỊ NGOẠI CẢM NÀO – nhưng trái tim và linh hồn của họ đang tỏa ra ánh sáng rực rỡ, thanh khiết của tâm linh. Do vậy, lành hay dữ đều là do mỗi người lựa chọn, tự do ý chí hoàn toàn nên một ai đó theo tâm linh không có nghĩa là họ lương thiện, tốt đẹp – tương tự như không phải cứ làm thầy giáo, bác sĩ thì là người cao quý, cao quý hay không là do cách sống và cách cư xử của mỗi người. Do đó, không phải ai có khả năng nhìn thấy vong linh, biết xuất hồn thì người đó siêu việt hơn kẻ khác.

 

       Người thức tỉnh tâm linh sẽ tự khai mở luân xa như một tiến trình tự nhiên và lành mạnh. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngược lại -  ví dụ sau một biến cố/tai nạn nào đó nên luân xa của một người đột ngột bị kích hoạt/ khai mở và khiến họ có thể NHÌN THẤY NHỮNG ĐIỀU VƯỢT KHỎI TRI GIÁC THÔNG THƯỜNG – và điều này không đồng nghĩa với việc người đó trở thành kẻ thức tỉnh tâm linh. 


        Thức tỉnh tâm linh chính là khi con người cũ ngu muội, tàn nhẫn, ích kỷ, sân hận, đầy ham muốn của ta chết đi, và con người mới nhiều yêu thương, trí tuệ, từ bi và giàu lòng trắc ẩn thức dậy để sống một cuộc đời tích cực, ý nghĩa hơn cho chính mình và cho thế giới quanh mình (gia đình, cộng đồng và muôn loại vạn vật). Bạn có thể hiểu nôm na rằng bên trong mỗi người luôn có một phần “lõi thiêng”, thức tỉnh tâm linh là đánh thức phần lõi thiêng đó. Hay nói một cách giản dị dễ hiểu là trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình trong sự hiểu biết và tình yêu thương vô điều kiện.


       Người thức tỉnh tâm linh không còn là kẻ gây ra đau đớn cho bất cứ ai, họ cũng ngừng việc tự làm đau chính mình, họ tha thứ cho người và cho mình. Người đó ngừng phá hủy theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. 


        Người thức tỉnh tâm linh có xu hướng cống hiến, phụng sự và cho đi. Họ không còn chiến đấu chỉ vì muốn thu gom danh lợi, vật chất về cho mình. Họ bắt đầu giảm dần những đòi hỏi và nhu cầu cá nhân, thay vào đó là sự tìm kiếm tri thức, cảm ngộ vẻ đẹp nhân sinh, lắng nghe để hiểu thấu và cho đi.


        Người thức tỉnh tâm linh không sống ảo, không nói chuyện huyễn hoặc, không chìm đắm tuyệt đối vào truy cầu tín ngưỡng (chỉ tôn kính) vì họ hiểu ra được thế giới thường ngày mà mình đang sống chính là sự huyền diệu của tạo hóa. Từng nụ cười, từng lời hỏi thăm, từng ánh nắng, từng chiếc lá rơi, chú chó xa lạ dụi đầu vào chân mình, ly cà phê buổi sáng… đều thiêng liêng và đẹp đẽ. Ấy là khi người ta không đánh mất hiện tại, sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc mà mình còn hiện hữu. Chúa, Phật, Thượng Đế hiện hữu thông qua đời sống của người thức tỉnh, người đó không còn đi tìm Thượng Đế nữa mà bắt đầu sống hòa lành, lương thiện để hạt mầm những điều tốt đẹp được lan rộng.


        Người thức tỉnh tâm linh khiến cho nỗi sợ biến mất quanh họ: Họ không làm ai sợ và cũng không để mình sợ điều gì. Họ biết về sự hữu hạn của thể xác và kiếp sống vật lý. Họ hiểu rằng NỖI CHẾT CHÍNH LÀ SỰ SỢ HÃI. Nỗi sợ sẽ phá hủy đời sống, phá hủy hạnh phúc và khiến cuộc sống nhuốm dần màu u ám của địa ngục. Con người sẽ luôn lo sợ về một điều gì đó cho đến khi họ thức tỉnh về tâm linh.


       Người thức tỉnh tâm linh cũng không đi tìm thiên đàng bởi họ sẽ kiến tạo thiên đàng ngay tại lúc này, khi họ đang sống. Thượng đế đã cho tất cả chúng ta công cụ để dựng xây thiên đàng – đó là tình thương yêu và sẻ chia những điều lành, điều hay và điều đẹp. Hãy chia sẻ mọi thứ tốt đẹp mà mình đang có, tự khắc mình thấy được thiên đàng. Đừng thờ ơ với nỗi đau và khổ nạn của ai đó, đừng nhìn thấy một con chó con mèo nằm hấp hối bên đường mà không thử dừng lại xem có giúp được gì cho nó hay không… phép màu luôn có sẵn trong bạn rồi.


      Người thức tỉnh tâm linh bắt đầu học và thực hành về tình yêu thương vô điều kiện. Hầu hết chúng ta đều yêu thương có điều kiện - từ các cuộc kết giao công việc cho đến yêu đương, kết hôn đều vì một lợi ích nhất định nào đó mà đối phương mang lại cho mình. Chính tình yêu có điều kiện đã phá hủy con người mỗi ngày bằng sự nghi ngờ, ghen tuông, bất mãn, không thỏa mãn, thất vọng và cầm tù lẫn nhau, khống chế lẫn nhau… Việc anh có cái này thì mới xứng với tôi, anh có cái này tôi có cái kia nên chúng ta chơi với nhau – những điều này biến những mối quan hệ thiêng liêng có hình dạng gần giống hai kẻ hành khất đang ôm chặt lấy nhau vì đều cần xin của người kia cái gì đó mà mình cần. Hai người ăn xin sẽ khó đem lại hạnh phúc cho nhau, đơn giản vậy. Thay vào đó, hai người luôn muốn cho đi, cho không, biếu không sẽ dễ dàng làm cho nhau hạnh phúc.


        Người thức tỉnh tâm linh có khi rất thế tục, hài hước, vui vẻ vì họ biết trân quý thời gian sống. Họ làm việc theo đuổi ước mơ mạnh mẽ hơn, họ không chiến đấu vì phần thưởng vật chất mà vì hiểu về bản chất của giá trị luôn cao hơn giá cả. Họ nhận ra rằng nếu như họ đang có vận may ăn nên làm ra thì họ càng phấn đấu làm việc để có thể giúp đỡ cho nhiều người, góp phần kiến tạo một điều gì hữu ích cho cộng đồng, môi sinh… Họ cũng hiểu về giá trị của việc sống đủ, sống có ích hơn là chạy theo danh vọng, vật chất – thứ không bao giờ là đủ so với lòng tham bản năng của con người.


       Người thức tỉnh tâm linh luôn hiểu sâu sắc trong bản thân mình tồn tại phần ma quỷ, phần xấu, phần bóng tối bên cạnh phần ánh sáng thiện lương. Họ không ảo tưởng chiến thắng hay xóa sổ cái ác bên trong mình và biết cách khắc chế, kiểm soát và hóa giải những điều chưa tốt bên trong mình, chuyển hóa nó thành những dạng năng lượng tích cực hơn.


      Có nhiều dấu hiệu cho biết bạn có đang bước vào hành trình tâm linh hay không, tôi sẽ chia sẻ vào bài viết sau cho đỡ dài. Tuy nhiên, lộ trình thông thường của một người sắp bước vào hành trình thức tỉnh tâm linh là cuộc đời trải qua hàng loạt biến cố lớn, khổ đau, bất hạnh. Rất ít người thức tỉnh theo kiểu có một bậc thầy tâm linh dẫn dắt vì thường vị thầy đó sẽ xuất hiện đúng thời điểm, khi bạn bắt đầu hành trình và cuối cùng chính bạn sẽ là bậc thầy của chính mình, tự đốt đuốc lên đi tìm Đạo. 


      KHI BẮT ĐẦU SỐNG MỘT CÁCH THẬT SỰ THÌ HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA CHÚNG TA BẮT ĐẦU. 


>>> Hi vọng bài viết này hữu ích cho ai đó đang trên hành trình tìm hiểu và thức tỉnh. Cách chia sẻ của tôi có lẽ hơi khác với một số người dẫn dắt về tâm linh, nhưng tôi sẽ dành thời gian để viết nhiều hơn về chủ đề này cho những ai theo dõi tôi và quan tâm đến tâm linh theo cách giống tôi – coi tâm linh là một điều giản đơn như ly nước lọc để uống, như không khí để thở. 


      Nếu ai đó hỏi tôi rằng Thượng đế ở đâu, làm sao để đi tìm Thượng Đế, có lẽ tôi sẽ nhặt một chiếc lá đưa cho họ và nói:  Thượng Đế ở đây, trong chiếc lá này, Ngài cũng ở trong bạn, trong tôi và trong tất cả!


      Cuối cùng, xin chúc mọi người một năm mới 2022 nhiều sức khỏe, bình an và tràn ngập ánh sáng tích cực! 


       Tạm biệt và cảm ơn những buồn vui mất mát khó quên của 2021!


- NGUYỄN HẬU -

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Top 10 điều điêng rồ nhất mình từng làm 😤 ❤ 🌱✨

Nhiều người hay bảo mình điêng. Mình thì không thấy thế. Chỉ là thích gì thì làm đó thôi. Thường cuối năm mình hay đi, năm ở Iran, năm thì Úc, Đài Loan. Năm nay ngồi ở SG viết đôi dòng chia sẻ, hi vọng mn nhận được chút động lực/ hứng khởi gì đó cho chính mình & 2022.



1. Năm 20, 21t gì đấy, mình cày 2, 3 jobs cùng lúc, tiết kiệm để đi bụi một mình qua Thái, rồi bắt tàu lửa đi sang Malay. Hồi đó may báo đài không biết, chứ nếu biết chắc đã chuyển hướng làm travel blogger mất rồi :))





2. Ở Indo, mình bỏ hết kế hoạch, huỷ phòng khách sạn, go with the flow với hội 4 đứa khác đi solo, mà mình là đứa đầu trong hội & đi thu nạp những đứa còn lại ở sân bay, bến xe :)). Cùng đi leo ngắm núi lửa, rồi sang Bali, 5 đứa nhảy lên 1 chiếc bus ko biết địa điểm dừng ở đâu. Thích chỗ nào xuống chỗ đó, đua xe thể thao, lướt sóng (nơi có nhiều cá mập lol), chơi tới bến. Đúng kiểu surrender luôn




3. Cách đây 7 năm, ở Srilanka, lần đầu đi hike + trek leo hơn 5200 bậc thang lên đỉnh Adam's peak (1 trong 3 nơi có dấu chân thánh ở nước này) từ 2am ngắm mặt trời mọc. Leo lên có 2-3h mà xuống mất 4h. Hôm sau lại cũng tranh thủ hike cung mười mấy, 20km ngắm The World's End nhìn ra Ấn Độ Dương. Hậu quả là về VN đi dáng bà đẻ đúng 1 tuần vì hồi đó còn chưa tập tành gì cả =)))




4. Cách đây 5 năm, một mình đi bụi Iran ghé từ Bắc chí Nam, điện thoại hỏng, ko biết tiếng địa phương mà nhận được quá trời người giúp khi xài body language, bị người lạ đẹp trai dẫn đi mất hút, xuýt bị "bắt" về làm vợ, bữa đó tưởng xong đời rồi :3


Ở Iran và các nước hồi giáo, phụ nữ bị hạn chế làm rất nhiều thứ. Một trong số đó là đi không được xe đạp. Nên mình đạp xe :))




5. Nằm giữa sa mạc ngắm sao đêm cùng "hội người lạ" xong sáng hôm sau dậy sớm ngắm bình minh, uống trà, lạnh teo, bị bỏng lạnh. Chơi đua xe zip vòng quanh sa mạc, đi lần 1 8 đứa, buồn ói quá trời. Dù ói nhưng cũng ráng xung phong chơi thêm lần 2 (rớt còn 2 đứa) :))




6. Tỉnh tò với 1 ng là mình thích họ (mình đã từng gặp rất nhiều khó khăn trong việc bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ, từng "đơn phương" 1 ng rất rất nhiều năm mà ko hề hé răng nửa lời.




7. Surrender, theo tiếng gọi con tim, đặt vé máy bay để gặp 1 ng mà mình mới gặp có 1 lần, rồi nhảy bus xuống 1 nơi khỉ ho cò gáy để gặp 1 người khác. Chắc do mê sự lãng mạn từ phim "Before Triology" =)))




8. Ở Úc, lần đầu đi hike 1 mình trên núi tuyết, lên đỉnh bão tuyết tát vào mặt rát rạt không chịu nổi. Và nhiều đợt đi hike trong ngày 1 mình khác ở Úc. Nhiều lần thử hitchhike ở Úc, vừa làm vừa run vì xưa mình rất sợ người lạ. Lần đầu chơi yatch racing trong khi bơi còn bập bõm 1 vòng hồ, nhỡ rớt xuống biển 1 phát là hiểu hen. Mình sợ cá mập lắm nên để nào đi học lặn cho giỏi r bơi cùng cá mập :)))




9. (Đã từng) Sợ ma mà chơi We Escape lần 1 điếng người, muốn khóc. Vẫn chơi tiếp lần 2 khi bị rủ rê, và vẫn sợ, vẫn khóc ré, người như kiểu đờ đẫn. Hết dịch chắc sẽ chơi lại lần 3, giờ hết sợ ma rồi vì hiểu về năng lượng và thức tỉnh tâm linh




10. Thấy Nepal đẹp quá nên bỏ vé Nepal-India và quyết định ở hẳn hơn tháng, bù vé ngu chiều về. Tung hoành Nepal ngang dọc


Đi trek ABC 4130m, tự mang vác đồ đạc 100% không porter, lên rừng, xuống dốc liên tục với mấy chục con dốc ngút ngàn ko điểm dừng, tổng cộng đâu đó 120km(?). Tắm và gội đầu (bằng nước, hồi đó ko biết có dầu gội khô :3) liên tục (vì ko chịu được bẩn) để rồi ho sốt cao khi lếch lên đến đỉnh, có ng đi ngang qua tưởng "chết" mất xác vì sốt cao mà vẫn lếch lên đến đấy"


Sợ độ cao nhưng cũng ở đây, chơi đu quay cũ kỹ, không lồng kính, ko bảo hiểm, ốc vít cảm tưởng đụng vô là rụng ra. Chơi lần 1 khóc quá trời. Và "được" rủ chơi lần 2, vẫn chơi, nghe theo tiếng gọi trực giác. Lần 2 chỉ ré, không khóc =)))




❤ 11. Điều này hơi dư mà kệ cứ bonus. Không back-up plan, không toan tính, từ đi làm thuê sang tự "làm chủ" về Life coach, và đã giúp khá nhiều người thay đổi và chuyển hoá thật sâu ở các mảng chữa lành & yêu thương bản thân; hiểu mình & phát triển bản thân; cũng như làm chủ suy nghĩ & cảm xúc.


Vừa rồi mình cũng cán mốc thu nhập cao nhất từ trước đến nay & hơn 90% khách hàng của mình là người lạ.


Đời đưa thì mình đẩy thôi. Và ơn giời là được nhiều người "lạ" tin tưởng nên mọi việc vẫn tốt, tốt hơn mình tưởng. Bởi thế nên cứ tiếp tục đi 😊


Thật ra những điều này mình không nghĩ là điêng, mà chỉ thấy thú vị. Thích gì làm đó. Càng sợ thì lại càng nhào vô. Điều gì đủ quan trọng cũng sẽ xen lẫn sự phấn khích và nỗi sợ hết. Không sợ có nghĩa là nó chưa đủ quan trọng, mình thấy thế.


Đời này sống có bao lâu đâu mà hững hờ, chọn "an toàn"? Còn bạn thì sao? Đâu là việc điên khùng nhất bạn đã từng làm kể mình nghe với nhé 😊


Cám ơn ad đã duyệt và hi vọng bài chạm được đến tay những ai cần heng ❤

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2021

Hủ tíu là tên món ăn Miền Nam chánh thống


Trưa hôm qua có bạn hỏi,cái món "hủ tiếu" và "hủ tíu",cái nào trúng và chính danh nhứt vậy ?

Hủ tiếu Mỹ Tho


Xin thưa với em!Lẽ dĩ nhiên,đương nhiên là chữ "hủ tíu" rồi .Ban đầu,từ xưa ông bà Nam Kỳ mình đã kêu là hủ tíu


Cái chữ hủ tiếu là kiểu "dị dạng"sau 1954 thôi.Kiểu như Thạnh Đa thành Thanh Đa,Hàng Sanh thành Hàng Xanh ,Rạch Chiết thành Rạch Chiếc,Cây Da Xà thành Cây Da Sà sau 1975 vậy 


Nguồn gốc hủ tíu là từ người Tàu Nam Kỳ,có 2 nguồn gốc xin ghi ra 


- Mặc Nhân TVC trong bài về Mỹ Tho xưa có nói về nguồn gốc hủ tíu Mỹ Tho 


Trong mục " Hủ tíu thời xa xưa" ông có ghi rằng: 


"Từ hủ tíu không biết xuất xứ từ đâu vì người Hoa họ không gọi hủ tíu mà họ gọi là phảanh,còn hủ tíu chỉ là chất bột để làm phảanh


Do đó ăn hủ tíu họ gọi là xực phảanh. Vào tiệm hủ tíu gọi một tô hủ tíu có thêm xương, gọi là dách cô phảanh thím xực xí quách


Ngày xưa người Pháp gọi hủ tíu là soupe chinoise (súp Tàu). Đến bây giờ người ngoại quốc đến Mỹ Tho ăn hủ tíu cũng gọi là soupe chinoise hay chinese soup


Đến ngày nay hủ tíu đã thành một từ Việt Nam 


Ngược dòng lịch sử, ta trở về Mỹ Tho một thế kỷ trước để thưởng thức hủ tíu Mỹ Tho do người Hoa chánh hiệu đứng nấu


 Chú Sồi, hủ tíu chú Sồi, với một chiếc xe ba bánh, có thành vách ba bên, lộng kiếng vẽ đủ thứ cảnh hình trong truyện Tam Quốc như Quan Công phò nhị tẩu, Giang tả cầu hôn, Đương Dương trường bản, Khổng Minh tọa lầu…giong ruổi khắp các nẻo đường thành phố để mưu sinh, mà cũng để cho người dân Mỹ Tho có được một tô hủ tíu đậm đà


Ở giữa xe là một thùng nước lèo bốc hơi nghi ngút, những thúng, rổ nhỏ đựng hủ tiu, mì, bột nặn hoành thánh, dầu chá quảy…(để ăn kèm với mì, hủ tíu), tô chén úp bên cạnh đũa, muỗng lộn xộn với hủ nước tương, xì dầu, hột cải…"(hết trích) 


Tác giả lớn tuổi nhớ về Mỹ Tho xưa đã khẳng định "hủ tíu" là món ăn của Mỹ Tho 


Ông này lý giải kiểu Quảng Đông.Vì người Quảng gọi bánh sợi gạo trắng là “hồ phảanh” (河粉), âm Hán Việt là “hà phấn”.Khi xào thì họ cắt gọi  là “tài phảanh” (大粉), âm Hán Việt là “đại phấn”, nghĩa là sợi gạo trắng to hay chảo phảanh, tức là hủ tíu xào


Còn với món có nước thì xắt sợi mảnh gọi là hồ phảanh.Thành ra khi ăn hủ tíu họ gọi là xực phảanh là chính xác 


-Học giả Vương Hồng Sển viết: 


"Khi tôi từ Sốc Trăng năm 1947, chạy lên trên nầy, tôi không được mục kích cảnh sống trên đất Sài gòn nầy, những năm tao loạn 1945-1946 (...)


(...)


Lại nhắc đến tô hủ tíu của chú Ba Tàu.Hỏi chú chệc Tiều (Triều Châu), chú sửa cục thuốc xỉa qua bên môi, và cắt nghĩa:"Củi viết ra Hán tự là “Quế”, “tíu” muốn dịch là “tiểu” hoặc “thiểu” (nhỏ) đều nghe không thông,nhưng không dám đảm bảo là chắc, và “củi tíu” là bánh bột cọng nhỏ, nấu theo điệu Tiều, gia vị tôm tươi, chả cá, gan heo, bao tử luộc ram lại gọi là “phá lấu”, chút ít thịt gà, thì gọi “củi tíu cá gà”, hoặc vài miếng thịt heo thì gọi “củi tíu thịt” nhưng đó là “củi tíu” Tiều, sau đó ta chế lại, và gọi “củi tíu Nam Vang” hoặc “củi tíu Mỹ Tho” (Trích Sài Gòn Tạp Pín Lù)


Ông Vương Hồng Sển kể nguồn gốc hủ tíu.Đó là món Tiều tên là "củi tíu" nghĩa là bánh bột cọng nhỏ.Có củi tíu gà,củi tíu heo.Sau chuyển âm Việt thành "hủ tíu" 


Một số người nói là "cổ chéo"


Một số lý giải là do người Quảng Đông đọc “wuở tíu”粿條 âm Hán Việt là “quả điều”,người Tiều phát âm là “quể tíu”


Chưa có học giả Việt nào có cuốn tự điển tiếng Quảng Đông và Tiều -Việt nên nói tùm lum chẳng biết rốt cuộc nó chính xác chổ nào 


Nhưng khẳng định cái tên "Hủ tíu" là âm Việt rồi,bỏ lý lẽ là của Tàu đi nha 


Trước 1954 Miền Nam viết là "hủ tíu".Sau đó sách giáo khoa,sách báo phần đông do người Bắc 54 họ viết thành ra chuyển  thành "hủ tiếu" 


Các nhà văn hóa Miền Nam hầu như không viết về ẩm thực dù món ăn Lục Tỉnh tràn trề,nhiều vô số kể.Có lẽ vì quá thừa mừa và cũng do quan niệm "ăn có gì kể" mà các học giả Miền Nam vô tình để các học giả xứ Bắc lộng hành trong viết về ẩm thực và văn hóa Miền Nam 


Một mình ông Vương Hồng Sển không làm lợi với một số đông kia 


Người Bắc không nói âm "i" gọn được nên chuyển qua âm ê gần hết.Thí dụ Nam đọc "linh đinh",Bắc đọc "lênh đênh".Nam đọc "bịnh" ,Bắc đọc thành "bệnh",Nam đọc "gành" ,Bắc chuyển qua "ghềnh".Nam có "Cầu Kinh",Bắc tự đổi thành "Cầu Kênh" 


Các nhà viết sách Bắc họ nghĩ rằng Nam Kỳ viết hủ tíu là sai chánh tả nên họ tự ý đổi qua hủ tiếu là trúng chánh tả


Thực ra "hủ tiếu" mới sai chánh tả.Tiếu là cái gì? Viết tiếu nó qua nghĩa Hán Việt rồi 


Do sách giáo khoa tự quy định "hủ tiếu",thành ra học trò nghĩ hủ tiếu là đúng chánh tả nên chữ hủ tiếu đã đè bẹp,giết chết chữ hủ tíu 


Tiệm hủ tíu nào giữ nguyên bổn sẽ đề chữ hủ tíu


Hủ tíu cũng như bạc sỉu,cái âm "i" là thường trực ban sơ 


Bạc sỉu là món sữa đặc có đường,kem sữa đặc pha nước nóng,vì sữa đặc có quá nhiều mùi đường nên người Hoa bỏ một chút xíu cafe vô cho hãm mùi đường lại 


Bạc sỉu là gọi tắt của "Bạc tẩy sỉu phé" trong tiếng Quảng Đông, bạc là trắng,tẩy là ly,sỉu là một chút,phé là cafe 


Bạc sỉu nghĩa là ly sữa trắng kèm một chút xíu cà phê


Bạc sỉu không phải là cafe sữa,bạc sỉu và cafe sữa là hai loại khác nhau.Cafe sữa là phé nại 


Vì bạc sỉu không rình rang như hủ tíu nên những người viết sách có máu Bắc quên ,nếu nhớ dám viết "bạc siểu" lắm á 


Chữ Miền Nam âm "iu" khá thông dụng trong gốc Tàu 


Xá xíu là món ăn có nguồn gốc từ Quảng Đông.Xá xíu trong tiếng Quảng được viết là 叉燒 (cha xiu) 


Xíu mại cũng có âm "i" 


Trong cải lương có một điệu hơi Quảng tên là “Xang xừ líu”.Nhớ "Bên cầu dệt lụa" có một đoạn Quỳnh Nga nói chuyện với Bích Vân hát “Xang xừ líu” nghe vui vui


 Trần Văn Trạch hát "Hòn vọng phu"mà ta còn nghe được ông đệm thêm "Xang xê xang xê hò sự xang xê líu xề xang líu hò xang ú hò" rất dân tộc


Nhạc ngũ cung có "Hò, Xự, Xang, Xê, Cống " và âm thứ 6 là Líu


Hủ tíu Nam Kỳ là món vô địch thế giới


Hủ tíu là món gốc Tàu thôi chứ bên Tàu nó không thông dụng là mấy.Coi phim Tàu có thấy ai bán hủ tíu đâu.Tàu chỉ có mì là phổ biến


Món hủ tíu là món sanh ra và phù hợp phong thổ ở Nam Kỳ từ người gốc Hoa,từ bột gạo.Thành ra chúng ta cứ tự hào hủ tíu là món của Nam Kỳ là vậy 


Chúng ta phân biệt được hủ tíu Mỹ Tho,hủ tíu Sa Đéc với hủ tíu người Hoa là ở cọng bánh


Sợi bánh hủ tíu Mỹ Tho là sợi dai,sợi hủ tíu người gốc Hoa là sợi mềm như phở.Sợi hủ tíu người Hoa mềm và kích cỡ của nó khá giống sợi phở 


Hủ tíu dai là của người Việt sáng chế ra 


Hủ tíu Nam Kỳ đã là hủ tíu Việt khi có nước mắm,rau sống xanh tươi,hai món này hủ tíu Tàu chánh gốc không đụng tới,Tàu ăn dấm, xì dầu 


Có thể chia hủ tíu ra 2 trường phái nước và khô,hủ tíu dai và hủ tíu mềm 


Liệt kê :Hủ tíu Nam Vang, hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Sa Đéc, hủ tíu Lái Thiêu, hủ tíu mì, hủ tíu nui, hủ tíu hoành thánh, hủ tíu xá xíu, hủ tíu thịt băm, hủ tíu sườn heo, hủ tíu lòng heo, hủ tíu cá, hủ tíu cua, hủ tíu tôm, hủ tíu gà ta, hủ tíu gà ác, hủ tíu bò kho, hủ tíu bò viên, hủ tíu bò tái, hủ tíu bò sa tế, hủ tíu nai sa tế, hủ tíu vịt quay, hủ tíu nấm, hủ tíu măng, hủ tíu chay ,hủ tíu gõ , hủ tíu chiên,hủ tíu hồ.....


Đặc biệt ăn hủ tíu là phải có đôi đũa.Đũa không thể thiếu trong món nước như hủ tíu,mì 


Đâu ai kỳ cục như dân Ý,xưa chôm mì của Tàu nhưng lại ..ăn nĩa 


Hồi xưa khi Tây mới qua họ nhìn người Á như là làm xiếc với đôi đũa ,Tây cũng bắt chước làm nhưng không được 

 

Đũa một cặp thể hiệm âm dương,đực cái trong văn hóa 


"Đũa vàng dộng xuống mâm sơn

Thấy ai có ngãi, anh thương mặn nồng"


Đôi đũa xuất phát từ dân tộc nào? 


Nhiều người nói là từ người Tàu.Tuy nhiên nhìn và soi kỹ văn minh Tàu,ta thấy người Huê Hạ xưa là du mục,ẩm thực thiên về lúa mì tức là xay ra bột làm bánh rồi bốc tay mà ăn


Cuốn” L'histoire culturelle de la Chine” nói người Tàu thời tiên Tần (trước Tần Thỉ Hoàng) vẫn còn ăn bốc. Riêng dân Tàu Huê Bắc  ăn bốc là một thói quen truyền thống


Chỉ có các dân tộc Bách Việt phía Nam làm lúa nước,nấu cơm ăn thì phải xài đũa và vô miệng,cây tre ở xứ Nam đã cho ra đôi đũa tre huyền thoại.Tàu bắt chước mà ra 


Người Nam Kỳ chánh gốc tự hào hủ tíu,kêu hủ tíu thì mắc cái giống gì nói liên quan chánh trị? Nói chữ "hủ tíu" thì quy chụp cực đoan à? 


Con người minh triết là phải biết điều ngay thẳng,biết gốc tích nguồn cội đàng hoàng thì nó mới ra cái kêu là "văn hóa ẩm thực" 


Trong cuộc sống nầy có những quy luật bất thành văn, giới hạn của đạo đức, giới hạn của lý trí. Vượt qua chuẩn mực đạo đức là tự đánh mất mình


Chính thái độ dễ dãi,hề hà và sống luông tuồng đã bị người khác tự ý dẫn dắt văn hóa Miền Nam của mình theo ý của họ 


"Hủ tíu" sao giống như "Hủ tiếu" được cho dù dân Lục Tỉnh đọc ra âm hủ tiếu như hủ tíu thôi,cũng là món của Miền Nam thôi 


"Hủ tíu" khác "Hủ tiếu" cũng như bà Phạm Thị Chim khác bà Phạm Thị Chiêm vậy.Có khác  gì tên "chim" mà vô đụng thằng hộ tịch hỏi đi hỏi lại rằng "Tên Chim có ê không?" 


Ngày nay chữ hủ tiếu gần như bức tử chữ hủ tíu,lên google đánh chữ "hủ tíu" thì nó tự chuyển qua chữ "hủ tiếu".Nhưng đâu phải đó là cách đúng của lịch sử 


Các bạn Miền Nam thân mến! 


Bác bỏ lý lẽ chữ "hủ tíu" là do dân Miền Nam thích âm "i" nói gọn từ chữ "hủ tiếu".Hủ tíu có trước hủ tiếu,cũng như "bịnh" có trước "bệnh" 


Hãy viết cho đúng chữ  nha các bạn.Người Miền Nam chánh thống hãy viết cho đúng,hủ tíu.

Nguyễn Gia Việt

NHÂN NGÀY CỦA PHỞ


Phở Hà Nội ở Sài Gòn 

Võ Ðắc Danh 


Tốt nghiệp Cao đẳng ẩm thực trường Kỹ thuật tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Tiến Dũng vào Sài Gòn mở quán phở Hà Nội Nhớ trên đường Trần Nhật Duật. Quán nằm trên con đường yên tĩnh, khách cũng không nhiều, nhưng Dũng bằng lòng với công việc của mình, anh luôn tìm thấy niềm vui từ thực khách. Từ bảng hiệu Hà Nội Nhớ đã tạo ngay ấn tượng cảm xúc cho những người Hà Nội ở Sài Gòn, rồi đến hương vị của phở Hà Nội. Dũng kể, có một cụ già người Hà Nội, ngay từ lần đầu tiên đến ăn, ông đã bồi hồi thốt lên: “Đúng là phở Hà Nội !”. Từ đó, ông cứ đến thường xuyên, có khi dắt theo người nhà, có khi là bạn bè cùng quê Hà Nội. Rồi một hôm, ông mang đến tặng cho Dũng mấy hộp card quảng cáo Hà Nội Nhớ, ông nói ông đã tặng cho rất nhiều người quen để giới thiệu cho Dũng. Dần dà, quán của Dũng đã góp thêm một hương vị, một không gian phở Hà Nội giữa Sài Gòn.

 

Phở

Chưa ai thống kê xem Sài Gòn có bao nhiêu quán phở Hà Nội, và, trong hàng chục, hàng trăm quán phở mang tên Hà Nội ở Sài Gòn, cũng khó mà xác định đâu là phở Hà Nội thật, đâu là sự mạo danh. Nhưng, cho dù là sự mạo danh chăng nữa thì tự thân cái sự mạo danh ấy cũng đã minh chứng cho sự lừng danh của phở Hà thành. Song, điều mà nhiều người trong chúng ta còn thắc mắc là vì sao phở Hà Thành lại ngon và nổi tiếng, không chỉ trong nước mà gần như khắp năm châu ?

 

Có lần tôi nêu thắc mắc nầy với đạo diễn Thế Ngữ, ông cũng chỉ giải thích rằng phở ngon là loại phở “nguyên chất”, tức người ta nấu nước súp bằng chính xương bò kết hợp với những thứ gia vị truyền thống như gừng non, thảo quả, đinh hương và mấy thứ khác nữa. . . nói là nói vậy, nhưng vì sao nó ngon thì cũng khó mà giải thích thích một cách tận tường, cái chính là do sự cảm nhận từ thực khách.

 

Đạo diễn Thế Ngữ là hội viên câu lạc bộ văn hóa ẩm thực của Unesco, thường được mời đi nói chuyện về phở. Là người chính gốc Nam Định, ông từng nghe cha ông và các cụ già ở đây kể lại rằng, những năm đầu thế kỷ 20, người làng Vân Cù, bên kia sông Đò Quan, thuộc huyện Nam Trực xuất hiện tại khu nhà máy dệt Nam Định với những gánh hàng ăn rất lạ để bán cho công nhân: một bên là bếp lửa với nồi nước súp xương bò, một bên là gióng hàng gồm thịt bò, hành lá, bánh tráng thái nhỏ từng sợi. Những sợi bánh ấy cho vào tô cùng với thịt bò thái mỏng, hành lá cũng thái mịn rồi rắc lên, sau đó châm nước súp đang sôi vào tô bánh, cho ra một loại thức ăn vừa nhanh, vừa lạ, vừa ngon.

 

Ban đêm, ánh lửa bập bùng từ những gánh hàng trên phố, thấy lạ, người Pháp ngạc nhiên vừa chỉ chỏ, vừa bảo : le feu ! Le feu ! Người Việt đặt tên cho những gánh hàng ấy là phơ, rồi dần dà đổi âm thành phở.

 

Phở từ Nam Định ra Hà Nội và trở thành văn hóa phở từ khi nào, chưa ai xác định. Trong tác phẩm Cát Bụi Chân Ai của nhà văn Tô Hoài có đoạn viết: “Gánh phở ông Tàu Bay xưa đỗ cạnh dốc bên gốc cây thị đầu sân vào sở Văn Tự . . . có lẽ cũng như chỉ tình cờ một câu bông đùa cái mũ da lưỡi trai hơi dài khác thường của ông hàng so sánh với chiếc mũ phi công mà thành tên phở Tàu Bay, một hàng phở gánh buổi sáng”.

 

Trong hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy lại có đoạn: “Tại Hậu Hiền – Thiệu Hóa – có gia đình nghệ sĩ khác, người con trai là Đỗ Thiếu Liệt chơi violon, bố mở quán phở Tàu Bay rất nổi tiếng. Trên vách tường bên ngoài quán phở ghi mấy câu thơ quảng cáo theo lối hài hước:

Những ai quá phố Hậu Hiền

Hễ có đồng tiền đến phở Tàu Bay

Giá tuy đắt đắng đắt cay

Ngon chẳng đâu tày, nức tiếng gần xa.

 

Theo tài liệu mà chúng tôi có được thì gánh phở Tàu Bay trong Cát Bụi Chân Ai của Tô Hoài và quán phở Tàu Bay trong hồi ký của Phạm Duy là của hai con người ở hai không gian khác nhau nhưng lại bắt đầu từ một câu chuyện tình người, tình bạn khá ly kỳ và cảm động.

 

Gánh phở Tàu Bay mà Tô Hoài mô tả là của ông Phạm Đăng Nhàn, tức người chủ đích thực của quán phở Tàu Bay trên đường Lý Thái Tổ ngày nay, còn quán phở Tàu Bay trong hồi ký của Phạm Duy là quán phở của ông Đỗ Phúc Lâm, thân sinh của nhạc sĩ Việt kiều Đỗ Thiếu Liệt, hiện sinh sống ở Canada.

 

Ông Nhàn xuất hiện với gánh phở ở vườn hoa Hàng Kèn, trước cổng sở hưu bổng Đông Dương từ năm 1938. Phở của ông ngon nổi tiếng nhưng khách qua đường không biết ông tên gì, chỉ thấy ông đội chiếc mũ cát két cũ của phi công nên gọi ông là Tàu Bay, và nổi tiếng khắp Hà Nội với biệt danh phở Tàu Bay. Mỗi sáng, khách từ chợ Ngọc Hà, bến xe Kim Mã, thậm chí từ chợ Mơ cũng kéo tới ăn phở Tàu Bay làm ồn ào trước sân công sở, viên Chánh sở người Pháp nổi giận bèn ra lệnh đuổi ông. Người chủ sự của Sở hưu bổng Đông Dương lúc bấy giờ là ông Đỗ Phúc Lâm, vốn mê ăn phở Tàu Bay nên năn nỉ viên Chánh Sở cho ông Nhàn được bán. Từ đó, ông Lâm trở thành người ơn của ông Nhàn. Sau tháng Tám năm 1945, ông Lâm mất việc, lại phải nuôi một đàn con, ông Nhàn giúp ông Lâm mở quán phở tại số 20 Nguyễn Trãi, cho lấy thương hiệu Tàu Bay và cho đứa cháu sang hướng dẫn cách làm phở. Nhờ đó mà quán phở Tàu Bay của ông Lâm sớm nổi tiếng, có hôm khách phải ngồi cả ở vỉa hè. Năm sau, kháng chiến toàn quốc nổ ra, ông Lâm theo dân tản cư về chợ Chồ, Thiệu Hóa, gần làng Ngò, căn cứ của những văn nghệ sĩ và trí thức nổi tiếng. Từ đó mà phở Tàu Bay của ông Lâm cũng nổi tiếng trên xứ Thanh và đi vào ký ức của nhạc sĩ Phạm Duy như đã kể trên.

 

Riêng ông Nhàn vẫn tiếp tục gánh phở cho đến năm 1954, di cư vào Sài Gòn và mở quán phở Tàu Bay trên đường Lý Thái Tổ. Ông mất năm 1976, phở Tàu Bay trở thành gia sản của bốn người con và gần mười người cháu nội, cháu ngoại giữ gìn và phát triển thương hiệu đến bây giờ.

 

Theo đạo diễn Thế Ngữ thì phở chính hiệu có nguồn gốc từ Hà Nội có mặt ở Sài Gòn, sau phở Tàu Bay là phở Dậu nằm trong con hẻm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, gần ngã tư Lý Chính Thắng và phở Bắc Hải trên đường Hồng Hà, gần sân bay Tân Sơn Nhất. Riêng phở Thìn, một thương hiệu nổi tiếng ở Hà Nội cũng có mặt ở Sài Gòn qua nhiều năm với những chuyện thật giả khác nhau. Cách nay vài năm, chúng ta thấy có vài quán phở Thìn ở Sài Gòn, nhưng theo chị Bùi Thị Thanh Mai, con gái Út của ông Bùi Chí Thìn, người sáng lập ra thương hiệu phở Thìn Hà Nội thì chẳng qua đó là sự mạo danh. Chị Mai nói, phở Thìn không đăng ký nhãn hiệu độc quyền nên bị mạo danh ở nhiều nơi, nhưng dường như sự mạo danh ấy không tồn tại được bao lâu vì người ta không thể tạo được cái hương vị như phở Thìn chính hiệu.

 

Theo chị Mai thì phở Thìn xuất hiện ở Hà Nội từ những năm 40. Cha chị, ông Bùi Chí Thìn bắt đầu từ một gánh phở ở chợ Hom, về sau mua nhà mở quán tại 61 Đinh Tiên Hoàng, bên hồ Hoàn Kiếm. Thời ấy, muốn ăn phở Thìn phải xếp hàng, trả tiền rồi bưng tô phở tự tìm chỗ ngồi ăn, có khi hết bàn ghế  phải ra ngồi chồm hổm ngoài vỉa hè. Năm 1978, ông Thìn vào Sài Gòn mở thêm chi nhánh ở 235 Cách Mạng Tháng Tám, tuy đông khách nhưng chỉ tồn tại khoảng 9 năm thì giải tán. Lý do, theo chị Mai thì ông Thìn vốn là người rất hào hoa, phong nhã nên đã xảy ra nhiều chuyện tế nhị trong quan hệ gia đình, buộc ông phải trở về Hà Nội. Ông mất năm 2001, để lại chín người con, trong đó năm người con trai đều nối nghiệp ông với năm quán phở mang thương hiệu Phở Thìn Bờ Hồ nổi tiếng ở các phố Đội Cấn, Lê Văn Hưu, Nghi Tàm, Hàng Mắm, Đinh Tiên Hoàng.

 

Năm 2009, chị Bùi Thị Thanh Mai, con gái Út của ông Thìn vào Sài Gòn mở quán phở Thìn ở 170 Nguyễn Đình Chiểu, coi như đây là “cuộc Nam tiến lần thứ hai” của phở Thìn. Vào quán, ta có cảm giác như ngồi giữa khu phố cổ Hà Nội: Đường nhựa cũ, cột điện cũ, vỉa hè cũ giữa hai bên dãy phố cổ chạm nổi trên tường, tô, chén, dĩa, muỗng là gốm sứ Bát Tràng chính hiệu, và, cái được xem là chính hiệu nhất là các loại phở gia truyền.

 

Có lẽ, đây mới là cái không gian, cái hương vị đích thực của Hà Nội giữa Sài Gòn./.

 

Võ Ðắc Danh

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

“BỎ PHỐ VỀ QUÊ” RỒI LẤY GÌ ĐỂ SỐNG?

Đây chắc hẳn là câu hỏi băng khoăn nhất của các bạn khi lựa chọn rời ra thành phố về với núi rừng bình yên. Min xin đưa ra giải pháp của bản thân. Đó là kết hợp “ LÀM NÔNG NGHIỆP SẠCH+ YOUTUBE+ HOMESTAY “


Chào các bạn,lại là Min sống ở nông trại 8860m2 tại Đức đây. 


Nhiều bạn bảo rằng đã về quê được một thời gian, rồi chịu không nổi cảnh làm ruộng “ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời “ rồi phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết.  Năm nào thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu thì lại rớt giá. Cả làng cả xóm nông sản đầy mà chẳng ai mua. Nên vài ba năm “ về quê , về rừng “ bạn lại khăn áo lên thành phố tìm việc. Và bạn cảm thấy tuy ở phố chật chội hơn, nhưng cứ gõ bàn phím ngày 8 tiếng thì cuối tháng lĩnh tiền nhàn tênh. Không phải lao động vất vả như ở nông thôn, rừng núi .



Đọc đến đây Min bất chợt thở dài. Ai đời lại dại vậy. Bạn lên thành phố ăn học chục năm rồi ra trường có bằng cấp trong tay. Mà bạn về quê, về rừng chỉ để trồng rau, trồng nông sản như các cô các bác ở ngoài quê. Rồi làm sao bạn làm nổi? Dù bạn có ráng cày cuốc cực lực, mùa màng bội thu thì sao bạn cạnh tranh nổi với các cô nông dân gắng bó với nghề nông gần bằng số tuổi của các cô? 

So về kỹ thuật thì bạn không bằng các cô được, so về kinh nghiệm thì bạn lại chẳng có chút gì. Rồi cô chú nông dân có mối mang thu mua nông sản từ chục năm nay. Bạn về quê, bạn làm nông và trồng y chang người ta, người ta không la bạn thì thôi. Chứ ai rãnh đâu giúp bạn? 


Tiền tiết kiệm bạn về quê vài ba năm tiêu là hết vốn. Lại lội ngược lên thành phố kiếm tiền để mong sau này có cục tiền lớn rồi về quê an hưởng tuổi già. 


Nếu bạn nào có dự định về quê làm nông truyền thống thì Min khuyên thật, bạn nên ở lại phố để cố gắng đi làm rồi dần dần thăng chức. Nó còn dễ thành công và an nhàn hơn ở nông thôn nhiều. 



RỜI PHỐ THÌ LẤY GÌ SỐNG? Min đã băng khoăn câu hỏi này từ lâu. Và Min giờ Min đã có câu trả lời . Hy vọng sẽ giúp được các bạn đôi chút trong công cuộc rời phố thị xô bồ:


- Về quê đất rộng người thưa. Nông nghiệp truyền thống mình không cạnh tranh được, thì mình làm nông nghiệp công nghệ cao hoặc trồng rau củ sạch, rau củ hữu cơ để bán cho người chịu chi. Người này đa số là người giàu, họ không quan tâm rau củ giá bao nhiêu tiền, mà học quan tâm là rau củ có đủ sạch có đủ ăn toàn cho sức khoẻ. Đắc một chút như ăn toàn là họ sẽ mua. Mình mới có nơi để tiêu thụ chứ. 

- Về ngoại ô gần phố, chọn chỗ nào đẹp đẹp. Bạn cải tạo vườn, cải tạo nhà cửa rồi mở homestay đón khách tới lưu trú cũng là một ý kiến hay. Tuy nhiên ai cũng mở homestay thì lấy đâu ra khách? Là sao để khách biết đến homestay của bạn đặt phòng, trong khi ở đâu cũng có và giá lại rẻ hơn homestay của bạn?

- Nhóm bạn khác không chọn làm nông, không chọn làm homestay mà chọn sáng tạo video cày view trên mạng xã hội để kiếm tiền từ YouTube / Tiktok/…Nhưng bạn làm nhiều video cũng chả ai xem, chả ai ủng hộ trong khi tiền tiết kiệm ngày một ít đi. Bạn không chịu nổi áp lực cơm áo gạo tiền trong thời gian khó khăn lúc đầu. Rồi dần dần bạn chán. Bạn cũng bỏ cuộc và khăn áo lên thành phố kiếm việc .


Thay vì mình làm riêng lẻ 3 công việc trên thì thành quả mang lại không lớn, nhưng khi bạn kết hợp cả ba công việc trên thì hiệu quả lại bất ngờ . 


- Khi bạn cuốc đất, lập vườn thì bạn quay lại quá trình làm việc. Đó như một cách lưu giữ kỷ niệm cũng như cách để giới thiệu cho farm,homestay của bạn 

- Khi bạn thu hoạch rau củ, bạn cũng quay video lại. Đó là cách bạn tiếp thị sản phẩm

- Khi bạn hoàn thành xong homestay, bạn cũng quay video lại. Đó là cách quảng bá homestay đơn giản nhất mà không tốn một đồng nào.



Trong làm nông thì mình kết hợp Vườn- Áo - Chuồng. Còn khi “ bỏ phố về quê, về rừng” thì mình kết hợp “ làm vườn- làm homestay- tự quảng cáo trên MXH” . Một công bạn làm, nhưng bạn giải quyết hoàn toàn từ khâu sản xuất nông sản- giới thiệu sản phẩm- tiêu thụ sản phẩm” thì bạn đâu phải lo lắng gì về tương lai phải không?


Khi bạn xác định về quê là bạn phải có kế hoạch rõ ràng ngay từ đầu. Bạn xác định về quê để làm gì? Và làm sao kiếm tiền trên mảnh đất đấy. Mảnh đất nào cũng có hũ vàng cất dấu. Quan trọng là bạn có biết khai thác tiềm năng của nó hay không ?


Ngoại Ô Đức- The Suburban Life 

Nhật ký của mẹ- Hành trình của con

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2021

Nguyện cầu bình an cho những ai đã ra đi và những người còn đang ở lại

 Hôm nay tôi hay tin một người chị tôi rất ngưỡng mộ đã qua đời vì đột quỵ. Cuộc đời của chị dừng lại ở tuổi ba mươi ba, khi cô con gái bé bỏng chỉ mới vài tuổi.

Tuổi trẻ của lứa chúng tôi, những đứa mê du lịch bụi, ai cũng biết đến đến anh chị, cặp đôi đẹp, trai tài gái sắc và vô cùng dễ thương. 

Tôi bàng hoàng không tin vào những gì mình đọc được, trong giây phút choáng váng, tôi ôm con gái đang ngủ say và khóc, khóc như chị là chính tôi vậy. Như thể là người thân thương lắm, mặc dầu tôi chỉ là một người dõi theo, yêu mến gia đình anh chị thôi chứ không phải thân thiết gì. Chị và tôi đều là mẹ, là vợ, là con cái của những gia đình nhỏ. Đều có người thương yêu và trông chờ sớm tối. Tôi hình dung, về chồng và con gái mình sẽ đau đớn ra sao, nếu nhỡ như điều gì ập đến. 

Tôi không biết có người mẹ nào mà không sợ chết, khi con mình còn bé bỏng hay không. Còn tôi, từ ngày có con, tôi bắt đầu sợ chết. Không những vậy, tôi cũng sợ bị ốm, bị tổn thương thân thể. Có lẽ con sinh ra để tôi biết nâng niu chính bản thân mình hơn, cả khi tôi đã từng nghĩ mình đã yêu bản thân lắm rồi. 

Đời sống này thật sự quá đỗi mong manh, tựa hồ như cái bám níu của giọt sương trĩu trên lá cỏ, thoảng một cơn gió nhẹ là rơi ra rồi. 


Có nhiều thứ trôi chảy trong lòng tôi lắm, như một bản nhạc đến hồi gay cấn, những hơi thở đương như nhanh hơn, tim đập liên hồi và nước mắt tuôn rơi, tôi nghe tiếng gió bấc rít ngoài hiên, trời se sắt lạnh. Khóc một hồi, tôi thấy cơn xúc động của mình cũng qua đi, nó cũng có một cuộc đời, có sinh và có diệt. 


Năm rồi, chúng tôi bận lòng vì khá nhiều chuyện ngoài thân. Giận hờn một đôi mối bằng hữu vì những va chạm trong đời sống. Có những khi chán nản chỉ muốn lủi vào thật sâu trong rừng sống, bởi vì ngại giải quyết các mối quan hệ. Dịch bệnh ập đến đã mang đi biết bao là sinh mệnh, khiến chúng tôi cũng trùng lắng xuống mà không còn bận lòng quá nhiều. Nhưng hôm nay, hay tin chị đi, đột ngột như ngọn nến đang cháy rực thì bị người ta thổi tắt. Sau bao nhiêu là bàng hoàng xót thương, ngừng khóc, tôi thấy lòng mình chợt nhẹ bẫng sau một chiều đông. Mọi chuyện hơn thua, ai đúng ai sai, ai giành giật cái này ai trốn tránh cái kia đều không còn quá to tát nữa. 


Có thể người bạn hôm qua đã có một hành động khiến mình buồn, hoặc như người em hôm qua đã lỡ làm gì đó có lỗi với mình, ừ thì mình đã ấm ức, đã khó chịu. Nhưng nghĩ mà xem, đời sống này mong manh lắm, giả như người ra đi hôm nay có bạn ấy, liệu mình có giận nữa không. 


Lòng mình giờ đây chỉ còn lại những tiếng ru ngọt ngào và êm ái, như màu dịu dàng của hoàng hôn. Mọi giận hờn phai nhạt dần như nắng tắt dưới hàng thông. Phải rồi, nhỡ mai ấy chết, lấy ai mà giận hờn. 


Có lẽ sự hữu hạn của đời sống này chính là điều đẹp đẽ nhất, bởi nó khiến mọi khoảnh khắc đều giới hạn.  Không có gì là mãi mãi, cách duy nhất để sống mãi là sống ngay giây phút này, khiến hiện tại và vĩnh hằng trở thành một. 


Vì biết trước là sẽ chết, vào bất kỳ lúc nào, nên con người có một khả năng vượt thoát diệu kỳ, khỏi những tị hiềm nhỏ mọn. Để tình thương yêu và lòng bi mẫn tuôn chảy trong thâm tâm như suối nguồn bất tận. Chính trong đau thương và mất mát, chính trong sợ hãi và ngục tù của bám chấp mà tâm hồn sẽ được trưởng dưỡng mà  vươn lên. 


Xin được nguyện cầu bình an cho những người đã đi và những người ở lại.

Xin yêu thương tưới mát nhân gian. Xin xua tan đi những vầng mây u tối.

Xin cho những ai còn sống hãy sống hết bây giờ.

Và mãi mãi về sau. 


Vườn Nhỏ, 4.12.21

Hạnh Lem

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2021

ĐÀ LẠT & SƯƠNG MÙ SỢ HÃI

Chủ nghĩa giăng dây đang chế ngự khắp nước nên thành phố du lịch Đà Lạt hào hoa hiếu khách cũng không tránh khỏi.

Giăng dây đang biến thành một cách "cai trị".

Đà Lạt những ngày này đầy mưa, sương mù và gió lạnh. Tôi nhìn thấy những cửa hàng đóng cửa, một vài khách sạn bị giăng dây. Dãy quán cà phê nơi đầu dốc lên khu Hòa Bình bàn ghế phủ đầy bụi, chỉ còn hai quán Phượng Tím và Phố Hoa tiếp khách lèo tèo( ảnh). Khách sạn ế ẩm. Chợ Hòa Bình cũng bị giăng dây, xe gắn máy muốn vào cổng chợ phải khai báo y tế...

Đà Lạt mua giăng dây Covid-19

 

Đà Lạt mà tôi đang nhìn thấy là một thành phố đìu hiu, thiếu sức sống. Không chỉ con người mà thiên nhiên hình như cũng đang run rẩy. Khách lữ hành như tôi muốn được ngủ khách sạn phải có giấy test covid âm tính. Người ta ko cần biết anh chích vax hay chưa, chỉ cần miếng giấy thần thánh đó mà thôi. Một số cửa hàng ăn uống còn treo thông báo:" Người các tỉnh thành khác đến Đà Lạt phải có giấy test âm tính 72 giờ".

Có cảm giác như núi đồi Đà Lạt đang bị nỗi sợ hãi trùm phủ.

Ngày hôm kia, đang dự sinh nhật tại nhà một người bạn thì cậu ta bảo mạng xã hội loan tin một phụ nữ đẹp có đứa con nhỏ đã bị bắt vì liên quan đến dân chủ.
Buồn thật khi dân chủ cũng là một cái tội.
Người đưa tin nhạy cảm trên phây bút phải dùng đủ loại ký hiệu để tránh thuật toán kiểm duyệt, khiến Việt ngữ bị xé nát, nhiễu loạn và suy đồi. Ngay cả tôi cũng phải dùng cách đó để hành hạ tiếng Việt của chúng ta mỗi ngày. Thế mà còn chưa thoát nổi thằng Mắc và anm.
Cả đời mình, tôi ko chạy thoát nổi sự kiểm duyệt. Làm báo cũng bị mà viết phây cũng bị. Chả còn không gian nào mang lại tự do cho người cầm bút, ngay cả không gian do chính người Mỹ yêu tự do tạo ra như Fb.

Nhìn đâu cũng thấy sợ hãi, từ cuộc sống thực đang diễn ra trước mắt đến những tin tức trên mạng xã hội.
Một màn sương mù sợ hãi bao phủ đời sống người dân, đầu độc xã hội và ngay cả sương mù tại phố núi mà tôi đang ghé thăm, có cảm giác như chính nó cũng đang sợ hãi con người- những kẻ tạo ra nỗi sợ.
Tôi từng yêu thích bà Aung San Suukyi, người được Nobel hòa bình, chỉ vì 1 câu nói:" Ngục tù duy nhất là nỗi sợ, tự do duy nhất là tự do thoát khỏi nỗi sợ".

Thật ra, tự do thoát khỏi sợ hãi là một quyền căn bản của con người, đồng hành cùng các quyền tự do khác như tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và tự do thoát khỏi nghèo đói. Tứ đại quyền này đã được đề cập trong bài diễn văn nổi tiếng đọc trước quốc hội Mỹ năm 1941 của cố tổng thống F.D.Roosevelt.
Ko có gì dễ cai trị con người bằng nỗi sợ, chính vì vậy nó là phương pháp đầu tiên của các nhà độc tài. Hitler đã dùng nó, Stalin và Mao Trạch Đông đã dùng nó, giờ đến Tập và cu Ủn dùng nó và các nước cs đang dùng nó.

Thế nhưng, bọn độc tài có thể ko cho chúng ta tự do ngôn luận hay tín ngưỡng hoặc ko cho phép ta thoát khỏi nghèo đói, nhưng quyền thoát khỏi nỗi sợ là cái quyền mà chúng ta có thể chủ động sử dụng bất cứ lúc nào. Vấn đề là chúng ta có muốn và có dám hay không thôi.

Tôi thì đã thoát khỏi nó vào ngày hôm qua, yesterday, bất cứ lúc nào trong ngày hôm qua, haha.

Bài chia sẻ của bác Vinh Râu trên FB.