Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và Chợ Đà Lạt

Ngô Viết Thụ sinh ngày 17 tháng 9 năm 1926 tại làng Lang Xá, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế), lập gia đình với cô Võ Thị Cơ, một thiếu nữ ở Đà Lạt, vào năm 1948, khi theo học Trường Cao đẳng Kiến trúc tại Đà Lạt.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, con trai kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, kể: “Hơn 50 năm trước, có một tân sinh viên nghèo đi từ Huế vào Đà Lạt. Anh học trò nghèo tay trắng, xách vali vào Đà Lạt để theo học tại Trường Cao đẳng Kiến trúc. Người đầu tiên anh gặp là một nữ sinh trung học đệ nhị cấp: “Cô ơi, cho tui hỏi đường tới nhà trọ này”. Nghe chỉ đường xong, anh còn hỏi thêm một câu: “Gạo một ký bao nhiêu?”, cô gái giơ hai ngón tay: “Hai đồng”.

Sau đó, vì học giỏi, anh được giới thiệu dạy kèm cho con gái ông bà ở trung tâm thành phố. Cậu sinh viên trở thành gia sư cho cô gái và các em của cô, rồi trở nên thân thiết với gia đình. Nhiều năm sau, họ thành vợ chồng.

Vợ chồng KTS Ngô Viết Thụ

Đó là câu chuyện của cha mẹ tôi. Mỗi khi giận nhau, hai ông bà giao hẹn giơ hai ngón tay lên để làm hòa, không giận nữa. Hình ảnh mà tôi nhớ nhất là những đêm cha mẹ hàn huyên với nhau đến 2, 3 giờ sáng. Có lẽ tình yêu này quá lớn, nên sau khi mẹ mất, cha tôi bị sốc lớn và ở vậy cho đến khi qua đời.
Cha tôi, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, sau này có lần nói: ông ráng học thật giỏi để xứng đáng với tình cảm của mẹ tôi. Sau khi du học Pháp về, một trong những nơi đầu tiên ông quay lại để giúp xây dựng chính là Đà Lạt…” (Bê tông hóa Đà Lạt, báo Người Đô Thị 18.4.2019)
Năm 1950, Trường Cao đẳng Kiến trúc Đà Lạt được chuyển về Sài gòn. Các sinh viên có thể chọn chuyển về Sài gòn hoặc sang Pháp học tiếp. Nhận thấy ông Ngô Viết Thụ rất có tài, gia đình vợ ông quyết định giúp ông sang Pháp du học. Nhưng sợ ông mang mặc cảm phận nghèo phải nương tựa nhờ vả gia đình vợ nên vợ ông quyết định nghỉ học, giúp cha mẹ buôn bán để ông yên tâm chỉ chịu ơn vợ mà thôi.
Từ năm 1950 đến năm 1955, ông là sinh viên ngành kiến trúc tại Trường Mỹ thuật Quốc gia (École des Beaux-Arts) ở Paris. Năm 1955, ông nhận Giải thưởng lớn Roma (Grand Prix de Rome), giải thưởng về kiến trúc dành cho kiến trúc sư tại Pháp, thường được gọi là giải Khôi nguyên La Mã. Trong thời gian từ năm 1955 đến năm 1958, ông lưu trú tại Biệt thự Medicis (Villa Medicis) của Viện Hàn lâm Pháp tại Roma (Ý) để nghiên cứu về quy hoạch và kiến trúc. Năm 1962, ông là kiến trúc sư châu Á đầu tiên trở thành Honorary Fellow (viện sĩ danh dự) của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (American Institute of Architects).
Sau khi ông đoạt giải Khôi nguyên La Mã và kết thúc thời gian sống và làm việc ở Biệt thự Medicis tại Rome, rất nhiều văn phòng kiến trúc sư danh tiếng ở Pháp, Ý và một số nước khác đã đánh tiếng mời ông về làm việc với mức lương hậu hĩnh. Tương lai rộng mở, ông có thể cùng vợ con định cư tại châu Âu, nhưng lúc đó, Tổng thống Ngô Đình Diệm cử GS Bửu Hội sang Pháp mời ông về nước làm việc. Trước khi sang Pháp, ông Bửu Hội đến thăm cha của ông là cụ Ngô Viết Quang và mang giúp quà của cụ gửi cho ông là 3 trái xoài cùng một bài thơ mang tên “Cá gáy hóa long”, đại ý chúc mừng ông công thành danh toại, nhưng khuyên ông không nên quên nguồn cội và nên trở về giúp đất nước. Sau khi đọc xong thư nhà, ông quyết định thu xếp cùng gia đình trở về Việt Nam.
Chỉ trong vài năm, ông thiết kế nhiều dự án quan trọng của quốc gia và vào năm 1960, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã mời ông nhận chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đây là một chức vụ có quyền uy, không chỉ điều hành việc xây dựng đất nước mà còn nắm cả bộ phận xổ số kiến thiết vốn là con gà đẻ trứng vàng lúc bấy giờ. Ông băn khoăn, hỏi ý kiến vợ, bà khuyên ông không nên nhận vì bản thân ông vốn là một người nghệ sĩ sáng tạo chứ không phải một chính khách. Ra nhận chức vụ lớn, trách nhiệm cao, phải học hỏi cung cách làm chính trị sẽ ảnh hưởng nhiều đến nghề nghiệp theo thời cuộc có thể lên, cũng có thể xuống, sẽ có va chạm, xung đột quyền lực với người khác ở chốn quan trường…
Thấy vợ nói cũng hợp với ý mình nên ông đã từ chối, chỉ nhận làm cố vấn và giữ chức trưởng văn phòng tư vấn kiến trúc và chỉnh trang lãnh thổ cho Phủ Tổng thống. Từ đó, Việt Nam Cộng hòa không còn Bộ Xây dựng nữa, việc quy hoạch toàn miền Nam Việt Nam cho đến năm 1975 chủ yếu do 2 văn phòng thực hiện là văn phòng ông Ngô Viết Thụ nghiên cứu chiến lược và Tổng nha Kiến thiết.

Ông đã thiết kế nhiều công trình xây dựng như Dinh Độc Lập (1961-1966), Viện Đại học Huế (1961-1963), Viện Nguyên tử Đà Lạt (1962-1965), Khu công nghiệp An Hòa Nông Sơn, Nhà máy dệt Phong Phú, Khách sạn Hương Giang 1 tại Huế (1962), Nhà thờ chính tòa Phủ Cam (1963), Thương xá Tam Đa (Crystal Palace), Trường Đại học Nông nghiệp Thủ Đức (1975)…

Sau năm 1975, ông ở lại Việt Nam, thiết kế Ty Thủy lợi Đắc Lắc (1976), Bệnh viện Sông Bé (1985), Khách sạn Century ở Huế (1990), phác thảo Thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt (sau này do một nhóm kiến trúc sư Lâm Đồng tiếp tục thực hiện triển khai chi tiết và thi công).

cầu thang nối Khu chợ Hòa Bình với Chợ Đà Lạt

Ông từ trần ở tuổi 72 vào ngày 3 tháng 9 năm 2000 tại nhà riêng ở Sài gòn do tai biến mạch máu não.
Dấu ấn của Ngô Viết Thụ ở Đà Lạt là việc thiết kế Viện Nguyên tử Đà Lạt (1962-1965) và thiết kế cầu thang nối liền Khu chợ Hòa Bình với Chợ Mới Đà Lạt. Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên kể về việc xây dựng Chợ Mới Đà Lạt vào ngày 10 tháng 10 năm 1958: “Ý tưởng về một ngôi chợ mới bề thế, làm điểm nhấn cho Đà Lạt có thể đã đến từ năm 1957, sau khi ông Trần Văn Phước nhậm chức tỉnh trưởng Tuyên Đức kiêm thị trưởng Đà Lạt. Lúc đó, khu chợ cũ tọa lạc tại khu Hòa Bình xây dựng từ năm 1937 đã trở nên chật chội, quá tải trước sự gia tăng dân số, cởi mở về kinh tế kể từ sau năm 1954. Dự án xây cất khu Chợ Mới là một quyết định đầy táo bạo của ông Trần Văn Phước. Sau nhiều lần hội kiến và trao đổi bằng văn bản về công trình này với nguồn chi phí do thành phố tự điều động, đã được sự chấp thuận của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ngày 4.3.1958, trong điều kiện nguồn ngân quỹ của thành phố Đà Lạt eo hẹp, thị trưởng Trần Văn Phước đã đứng ra ký một khế ước với Bộ trưởng Tài chánh, thỏa thuận cho thành phố Đà Lạt vay một ngân khoản 30.000.000 đồng của Quỹ Hưu bổng Văn Giai Việt Nam để xây Chợ Mới. Số tiền này được bên vay cam kết trả bằng 15 niên khoản liên tiếp, mỗi niên khoản là 2.880.266.28 đồng… Cuộc đấu thầu công khai diễn ra vào 10g sáng ngày 4.7.1958 tại Tòa Hành chánh Đô thị Đà Lạt. Với mức giá đưa ra là 30.326.000 đồng, ông Nguyễn Linh Chiểu trúng thầu. Ngày 21.7.1958, một hợp đồng xây dựng Chợ Mới Đà Lạt được ký giữa ông thị trưởng Phước với nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu. Bản hợp đồng có nhiều ràng buộc thanh toán, nhưng đáng kể nhất chính là thời hạn phải hoàn thành Chợ Mới trong 20 tháng. 9 g ngày 10.10.1959, buổi lễ đóng cây cừ đầu tiên, còn gọi là lễ động thổ cho công trình này diễn ra. Bản thiết kế ngôi chợ 3 tầng lầu với phong cách tân kỳ tọa lạc tại khu tam giác các con đường Lê Đại Hành – Nguyễn Thái Học và Phan Bội Châu của kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức được triển khai khá chặt chẽ. Nhà chợ gồm 3 tầng, diện tích mỗi tầng 1.600 m2, cao 19,45 mét, dài 80 mét, rộng 18 mét.



Việc xây dựng diễn ra đúng như dự tính, cho đến giữa năm 1959 thì trong một lần đi kinh lý tại Đà Lạt, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã nhận thấy ngôi chợ này cần có một gạch nối gắn kết trực tiếp với khu Hòa Bình. Ông đã đề nghị kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - lúc bấy giờ vừa từ Pháp trở về - tính toán một họa đồ thiết kế đường dẫn và phân lô chung quanh. Bản họa đồ nhanh chóng ra đời theo đó, ngoài một cầu dẫn vào tầng 2 ngôi chợ, còn có bản phân 6 lô được đánh số A,B,CD,E, F… Như vậy, vào thời điểm năm 1960, hình ảnh ngôi Chợ Mới có thể kết nối từ nhiều phía đã trở thành một trung tâm mua bán sầm uất…” (Một công trình kiến trúc tân kỳ, Đà Lạt bên dưới sương mù, tr. 136, 137, 138)
Ảnh: Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, với vợ và con trai, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, với Tổng thống Ngô Đình Diệm và cầu thang nối Khu chợ Hòa Bình với Chợ Đà Lạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét